Iceland là quốc gia có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất châu Âu

Năm 2018, giá tiêu dùng trung bình tại Iceland cao hơn 56% so với phần còn lại của châu Âu, khiến Iceland trở thành quốc gia đắt đỏ số 1 ở châu Âu, trên Thụy Sỹ (52%), Na Uy (48%) và Đan Mạch (38%).
Iceland là quốc gia có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất châu Âu ảnh 1Mọi chi phí ở quốc gia này đều đắt đỏ hơn hầu hết các nước khác ở châu Âu. (Nguồn: AFP)

Các suối nước nóng ở Iceland không phải là điều duy nhất khiến khách du lịch đến đây “toát mồ hôi,” từ giá phòng khách sạn đến hóa đơn ăn trưa, hầu hết mọi chi phí ở quốc gia này đều đắt đỏ hơn hầu hết các nước khác ở châu Âu.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong năm 2018, giá tiêu dùng trung bình tại Iceland cao hơn 56% so với phần còn lại của châu Âu, khiến Iceland trở thành quốc gia đắt đỏ số 1 ở châu Âu, trên Thụy Sỹ (52%), Na Uy (48%) và Đan Mạch (38%).

AFP dẫn một số khảo sát giá cả mà sinh viên 22 tuổi người Mỹ Quint Johnson đã thực hiện để chuẩn bị cho kỳ nghỉ một tuần với gia đình tại Iceland.

[Iceland tiếp tục là quốc gia bình yên nhất trên thế giới]

Nhìn lướt qua thực đơn tại một nhà hàng Iceland có thể thấy một chiếc bánh pizza chỉ với phômai có giá khoảng 2.400 krona (tương đương gần 17 euro hay 19 USD), một ly rượu vang sẽ có giá ít nhất 10 euro và một cốc bia (0,58 lít) có giá khoảng 7 euro.

Theo trang so sánh giá tiêu dùng Numbeo, hóa đơn của một bữa tối cho hai người trong một nhà hàng tại Iceland trung bình vào khoảng 85 euro, một chai rượu vang trong cửa hàng có giá khoảng 17 euro, và giá một giỏ trứng (12 quả) lên tới 5 euro.

Để lý giải mức giá đắt đỏ trên, có ba nguyên nhân chính: dân số của Iceland chỉ vào khoảng 355.000 người, sự phụ thuộc lớn vào hàng hóa nhập khẩu và mức thuế cao đối với đồ uống có cồn.

Các quy định cũng là một trong những lý do khi mà các sản phẩm nhập khẩu như trứng sống hoặc sữa chưa qua tiệt trùng đối mặt với các rào cản hải quan nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, biến động lớn trong tỷ giá đồng krona của Iceland trong năm 2016-2017 cũng đã dẫn đến mức tăng giá chung.

Konrad Gudjonsson, nhà kinh tế trưởng tại Phòng Thương mại Iceland, cho biết có mối liên hệ mật thiết giữa chi phí sinh hoạt đắt đỏ của các quốc gia và mức sống của người dân.

Năm 2018, mức lương trung bình hàng tháng của một người làm việc toàn thời gian tại Iceland là 632.000 krona trước thuế (khoảng 4.450 euro hay 5.000 USD), theo Cơ quan Thống kê Iceland.

Vì vậy, mặc dù chi phí sinh hoạt cao ở Iceland có thể gây sốc cho khách du lịch, song người dân nước này được hưởng mức lương phù hợp.

Theo Breki Karlsson, Chủ tịch Hiệp hội người tiêu dùng Iceland, cho biết Iceland là một trong những nước có mức lương trung bình cao nhất ở châu Âu.

Tuy nhiên, theo dự báo của Ngân hàng Trung ương nước này, Iceland đang đối mặt với những “cơn gió ngược” trong thời gian tới. Nền kinh tế Iceland được dự báo suy giảm 0,4% trong năm 2019, lần đầu tiên tăng trưởng âm trong 10 năm trở lại đây.

Cơ quan Thống kê Iceland cũng hạ dự báo triển vọng kinh tế của nước này vào tháng 5/2019, với dự đoán GDP giảm 0,2%, sau khi đưa ra ước tính tăng trưởng 1,7% hồi tháng Hai.

Bức tranh kinh tế u ám này một phần là do sự suy yếu của ngành du lịch, đặc biệt là sau khi hãng hàng không giá rẻ WOW Air của Iceland ngừng hoạt động.

Trong khi đó, ngành đánh cá đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự biến mất đột ngột của loại cá capelin (cá trứng) ở vùng biển Iceland, dẫn đến việc chính phủ không đưa ra bất kỳ hạn ngạch đánh bắt đối với loại cá quan trọng đối với nền kinh tế nước này trong năm 2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục