Idecaf công diễn vở kịch về Lý Thường Kiệt

"Ngàn năm tình sử" nói về bi kịch tình yêu của anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt đã được Idecaf đặt hàng Nguyễn Quang Lập viết kịch bản.
Kịch bản "Ngàn năm tình sử" nói về bi kịch tình yêu của anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt đã được sân khấu Idecaf đặt hàng Nguyễn Quang Lập viết và năm 2008 kịch bản này đã được giải nhì của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (không có giải nhất).

Đây là vở kịch về đề tài lịch sử thứ hai được Idecaf dàn dựng, sau vở "Bí mật vườn Lệ Chi" về danh nhân Nguyễn Trãi.

Với bề dày dàn dựng những vở nhạc kịch vui nhộn, đầy màu sắc, chủ yếu là cho thiếu nhi, nay sân khấu kịch Idecaf làm một bước đột phá mới: Vở kịch về mối tình trong sáng bi thương của người anh hùng Lý Thường Kiệt được Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc dàn dựng theo hình thức ca vũ kịch.

Cách dàn dựng đầy sáng tạo này vẫn làm toát lên cái "bi" trong cuộc sống tình cảm riêng của người anh hùng, nhưng khi xem vở kịch không hề có cảm giác nặng nề suốt 3 giờ đồng hồ.

Vở kịch mở màn bằng tiếng sáo réo rắt vui tươi của chàng mục đồng Lê Tuấn - Lý Thường Kiệt mới 18 tuổi, tiếng sáo ấy đã gọi nàng Thuận Khanh xinh đẹp đến với cuộc hẹn giữa cảnh đồng quê.

Rồi theo tiếng gọi của cha nuôi Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt phải đột ngột chia tay người yêu để nhập quân ngũ, hẹn sớm trở về để nên vợ nên chồng. Nhưng khi chàng trai tỏ ra xuất chúng trong quân ngũ ấy được thưởng phép trở về thì nàng Thuận Khanh đã nhập cung tiến vua.

24 năm đã qua đi. Chàng trai Lý Thường Kiệt năm xưa nay đã là Thái úy, vị tướng lừng danh nước Nam từng đánh dẹp quân nhà Tống.

Suốt 24 năm ấy, hàng đêm vị Thái úy lại đem cây sáo ra thổi với mong muốn người xưa trong cung cấm nghe được tiếng sáo của lòng mình. Tiếng sáo ấy mãi 24 năm sau Thuận Khanh mới nghe thấy và giây phút gặp gỡ sau 24 năm của đôi tình nhân tóc đã hoa râm cũng thật xót xa, đúng lúc nhà vua lâm chung.

Suốt 24 năm ấy, Thuận Khanh cũng chưa có dịp nào được yết kiến nhà vua, vẫn còn là một "trinh nữ". Đến khi được giải thoát về quê, tưởng như phút giây sum họp đã đến, Thuận Khanh đã đau đớn biết bao khi nghe Lý Thường Kiệt thú nhận để mong được gặp nàng trong cung cấm, ông đã chấp nhận làm hoạn quan ngay khi hay tin nàng đã vào cung.

Trong triều bắt đầu nổi sóng gió, Hoàng hậu Thượng Dương tranh chấp quyền làm nhiếp chính với Nguyên phi Ỷ Lan, mẹ ruột đức vua nhỏ tuổi.

Tham gia làm bình yên xã tắc, Lý Thường Kiệt trở về quê thì Thuận Khanh đã xuống tóc đi tu…

"Ngàn năm tình sử" là câu chuyện xưa được kể bằng ngôn ngữ hiện đại. Trong vở kịch này, lần đầu tiên Thành Lộc đảm nhận một lúc hai vai trò, vừa là đạo diễn, vừa vào vai chính Lý Thường Kiệt từ tuổi 18 đến khi bạc đầu.

Anh tâm sự: "May mắn tôi đã tìm ra chìa khóa để chuyển tải thần thái và cảm xúc của câu chuyện, đó là nhạc kịch. Lý Thường Kiệt của tôi lần này là một nhân vật rất đời, đánh giặc giỏi song cũng thổi sáo hay, khí phách mà lãng mạn, oai phong nhưng cũng thật cô đơn".

Không những thế, vốn xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ tuồng cổ, Thành Lộc còn phối hợp với nghệ sĩ Tấn Lộc dàn dựng nhiều màn múa, trong đó có những màn múa võ tưng bừng đẹp mắt.

Góp phần vào sự thành công của vở diễn là dàn diễn viên sáng giá: Thanh Thủy trong vai Thuận Khanh đã lột tả được nét ngây thơ nhí nhảnh của cô gái đang yêu đến sự câm lặng đầy bi thương của người đàn bà ở cõi tu hành; Hữu Châu (Lý Đạo Thành), Hoàng Trinh (Thượng Dương Hoàng hậu), Lê Khánh (Nguyên phi Ỷ Lan), Mỹ Duyên, Đại Nghĩa, Đình Toàn…

Nói về vở diễn không thể không nhắc đến phần âm nhạc hiện đại, đậm chất dân gian của nhạc sĩ Đức Trí, làm toát lên tính cách từng nhân vật. Khi là tiếng sáo quê, bài hát chầu văn, lúc là một hùng ca khi nói về "Nam quốc sơn hà nam đế cư" - tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt, lúc là những ca khúc khắc họa sự cô đơn của ông hay mưu toan của Thượng Dương Hoàng hậu…

"Ngàn năm tình sử" sẽ ra mắt khán giả từ 15/8 tại Nhà hát Bến Thành Thành phố Hồ Chí Minh với 20 suất diễn liên tục. Sân khấu Idecaf hy vọng đây là món quà xứng đáng của mình để chào đón kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội./.
(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục