IEA: Quyết định của OPEC không làm thay đổi tình trạng cung vượt cầu

Quyết định gần đây của OPEC+ nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu tới tháng 3/2020 sẽ không làm thay đổi cơ bản triển vọng của thị trường cung vượt quá cầu.
IEA: Quyết định của OPEC không làm thay đổi tình trạng cung vượt cầu ảnh 1Nhà máy lọc dầu trên đảo Khark, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quyết định gần đây của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác ngoài OPEC, trong đó đứng đầu là Nga, hay còn được gọi là OPEC+, nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu tới tháng 3/2020 sẽ không làm thay đổi cơ bản triển vọng của thị trường cung vượt quá cầu.

Đây là nhận định được Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra trong báo cáo mới nhất hằng tháng, công bố ngày 12/7.

Theo IEA, trong 6 tháng đầu năm 2019, nguồn cung dầu đã vượt quá nhu cầu khoảng 900.000 thùng/ngày. Trong quý II năm 2019, nguồn cung dầu vượt quá nhu cầu khoảng 500.000 thùng/ngày, trái ngược hoàn toàn với các dự báo trước đó.

Điều này góp phần làm "phình to" các kho dự trữ dầu mỏ vốn đã gia tăng lượng tích trữ kể từ 6 tháng cuối năm 2018 trong bối cảnh sản lượng dầu tăng trong khi nhu cầu bắt đầu chậm lại. Do đó, IEA cho rằng việc thắt chặt thị trường hiện không phải là vấn đề.

[OPEC nhất trí gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng, “vàng đen” lên giá]

IEA dẫn chứng nếu sản lượng hiện nay của OPEC không thay đổi quanh ngưỡng 30 triệu thùng/ngày, vào cuối quý I năm 2020, lượng dữ trự dầu có thể tăng thêm 136 triệu thùng. Trong khi đó, nhu cầu dầu thô của OPEC vào đầu năm 2020 có thể giảm xuống chỉ còn 28 triệu thùng dầu/ngày. Đây chính là thách thức lớn đối với những nhà quản lý thị trường.

Cũng theo IEA, thị trường dầu mỏ trong năm 2019 có nhiều tiến triển, nhưng trong tương lai gần, các nhà hoạch định cần tập trung kích thích nhu cầu.

Tuy nhiên, IEA cũng cảnh báo bất kỳ dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu nào cũng có thể làm chững lại nhu cầu dầu mỏ.

Theo số liệu thống kê gần đây, sản lượng khai thác dầu toàn cầu trong quý II năm 2019 lần đầu tiên giảm kể từ cuối năm 2012, trong khi các đơn đặt hàng cũng giảm với tốc độ "chóng mặt."

Trước đó, trong cuộc họp kéo dài 6 tiếng tại trụ sở OPEC ở Vienna (Áo), ngày 2/7, nhóm OPEC+ (gồm 14 nước thành viên OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới ngoài tổ chức này như Nga, Kazakhstan, Malaysia và Mexico) đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu đạt được hồi tháng 12/2018 thêm 9 tháng.

Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu yếu đi kéo theo nhu cầu năng lượng có xu hướng giảm và sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ tăng vọt, động thái của OPEC trước tiên hướng tới giữ giá dầu ổn định, giảm sự biến động của giá dầu và thị trường dầu mỏ.

Ngoài ra, OPEC cũng muốn kiểm soát nguồn cung dầu của thế giới để đối phó với tình trạng dư cung trên thị trường.

Với quyết định của mình, OPEC muốn đảm bảo rằng các nước thành viên có được một mức giá bán dầu hợp lý và việc hợp tác với các đối tác ngoài tổ chức là điều cần thiết và “thức thời”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục