IFAD hỗ trợ thoát nghèo theo hướng tạo việc làm bền vững

Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) đang thực hiện những sáng kiến thoát nghèo theo hướng hỗ trợ nhiều hơn cho những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để đảm bảo an sinh, việc làm bền vững.
IFAD hỗ trợ thoát nghèo theo hướng tạo việc làm bền vững ảnh 1Gian hàng giới thiệu các sản phẩm từ nhiều vùng miền của các cơ sở được sử dụng nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ từ IFAD. (Ảnh: Trần Việt/Vietnam+)

Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) đang thực hiện những sáng kiến thoát nghèo theo hướng hỗ trợ nhiều hơn cho những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để đảm bảo an sinh bền vững, tạo thêm nhiều việc làm ổn định tại những địa phương lâu nay ít được đầu tư.

[IFAD hỗ trợ 43 triệu USD tăng thu nhập cho nông dân Việt Nam]

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị đánh giá Chương trình Quốc gia Hợp tác Việt Nam-IFAD giai đoạn 2012-2018 và hợp tác chiến lược giai đoạn 2019-2025 tổ chức trong hai ngày 1-2/2 tại Hà Nội.

Trong giai đoạn 2012-2018 tổng nguồn vốn vay và viện trợ của IFAD cho 11 tỉnh của Việt Nam gồm: Gia Lai, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Hà Giang, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Bến Tre, Trà Vinh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Đắc Nông là 188,350 triệu USD.

Tai hội nghị, các chuyên gia, cán bộ dự án đã trao đổi, chia sẻ, đánh giá hoạt động giữa các cơ quan chức năng trong những phương thức sử dụng nguồn vốn ưu đãi dành cho cơ sở sản xuất, hộ gia đình góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm, ổn định xã hội, đảm bảo an sinh ở những địa phương vùng khó khăn.

IFAD hỗ trợ thoát nghèo theo hướng tạo việc làm bền vững ảnh 2Các chuyên gia thuyết trình tại hội nghị. (Ảnh: Trần Việt/Vietnam+)

Với tiêu chí “Vì sự nghiệp giảm nghèo bền vững cho nông thôn Việt Nam”, IFAD của Liên hợp quốc với chủ trương xây dựng những dự án thúc đẩy, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, nhằm tạo cơ hội cho nông dân vươn lên thoát nghèo làm chủ cuộc sống.

IFAD là tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc hoạt động tại Việt Nam từ năm 1991, Quỹ luôn đi đầu trong việc đưa ra những sáng kiến hỗ trợ các mô hình trong phát triển nông nghiệp và nông thôn, hỗ trợ các gia đình là hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế nhằm ổn định xã hội, đảm bảo an sinh.

Mục tiêu của IFAD là hỗ trợ nhiều hơn những dự án, hộ gia đình vùng khó khăn có điều kiện phát triển, sản xuất những đặc sản vùng miền, tạo nguồn hàng hóa có ích cho xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân vốn lâu đời có cuộc sống khó khăn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục