IIF cảnh báo "rủi ro tái cấp vốn" trước nguy cơ bùng nổ nợ toàn cầu

IIF đưa ra cảnh báo về những "rủi ro tái cấp vốn" liên quan đến mức nợ cao và những điều chỉnh về chính sách tiền tệ, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển thường vay ngoại tệ mạnh.
IIF cảnh báo "rủi ro tái cấp vốn" trước nguy cơ bùng nổ nợ toàn cầu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhật báo chuyên về kinh tế Les Echos của Pháp số ra mới đây có bài của tác giả Sujata Rao với tựa đề "Bùng nổ nợ toàn cầu trước giai đoạn tăng lãi suất," cho biết tổng số nợ trên toàn cầu tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 217.000 tỷ USD vào thời điểm các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ sau nhiều năm áp dụng mức lãi suất cực thấp.

Theo nghiên cứu mới công bố của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tổng các khoản nợ hiện chiếm tới 327% GDP toàn cầu.

IIF đưa ra cảnh báo về những "rủi ro tái cấp vốn" liên quan đến mức nợ cao và những điều chỉnh về chính sách tiền tệ, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển thường vay ngoại tệ mạnh như đồng euro hay đồng USD.

Các chi phí tài chính liên quan đến các khoản vay có khả năng tăng cao trong trường hợp lãi suất ở các nước phương Tây tăng và tỷ giá các loại ngoại tệ mạnh này cũng gia tăng.

Riêng năm 2016, nợ bằng ngoại tệ mạnh của các nền kinh tế mới nổi tăng thêm 200 tỷ USD. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2014 và 70% số được tính bằng đồng USD.

Các nước đang phát triển hiện phải đối mặt với hơn 1.900 tỷ USD trái phiếu và các khoản vay đến hạn vào cuối năm 2018, với 15% số tiền này được tính bằng USD. Các quốc gia có các khoản nợ sắp đáo hạn cao nhất là Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên thực tế, việc tăng nợ trên quy mô toàn cầu chủ yếu là từ các quốc gia mới nổi và tổng số nợ của các quốc gia này tăng thêm 3.000 tỷ USD trong năm 2016, lên 56.000 tỷ USD, tương đương 218% GDP.

[Nợ toàn cầu chạm mức cao kỷ lục 217.000 tỷ USD trong năm 2016]

Nghiên cứu của IIF cho thấy, số nợ của riêng Trung Quốc đã tăng thêm 2.000 tỷ USD năm 2016, lên tới 33.000 tỷ USD.

IIF cũng cảnh báo rằng các khoản nợ ngày càng tăng có thể tạo ra những tác động bất lợi đối với sự phát triển lâu dài và cuối cùng là gây ra nguy cơ đối với sự ổn định tài chính và trong một số trường hợp, tổng số nợ lũy kế cao đã bắt đầu trở thành nhân tố bất lợi đối với xếp hạng tín dụng quốc gia, bao gồm cả các quốc gia như Trung Quốc và Canada.

Trong khi đó, các quốc gia phát triển đang tiếp tục thực hiện các biện pháp tổng thể để giảm nợ, cả trong lĩnh vực công và tư. Riêng năm 2016, các quốc gia phát triển đã giảm được hơn 2.000 tỷ USD, trong đó chủ yếu là các quốc gia thuộc Khu vực sử dụng đồng euro.

Tuy nhiên, tổng số nợ của Mỹ tăng thêm 2.000 tỷ USD, lên trên 63.000 tỷ USD vào cuối quý 1/2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục