IISS mong đợi bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam

Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) khẳng định rất mong đợi phát biểu của Thủ tướng Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại London nhân sự kiện ban lãnh đạo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là diễn giả chính tại Đối thoại Shangri-La 2013 ở Singapore, tiến sỹ John Chipman - Tổng Giám đốc IISS khẳng định: "Chúng tôi rất mong đợi bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam."

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.

- Cuối tháng 5, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự và có bài phát biểu chính tại Đối thoại Shangri-La 2013 ở Singapore. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?

- Tiến sỹ John Chipman:
Chúng tôi rất vui mừng khi Thủ tướng Việt Nam nhận lời phát biểu chính tại Đối thoại Shangri-La năm nay. Từ 5 năm trước đây, chúng tôi đã mở rộng các bài phát biểu chính tại Đối thoại đến lãnh đạo các nước trong khu vực như nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ. Trước đó đã có những diễn giả phát biểu chính như Thủ tướng Australia, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Malaysia, Tổng thống Indonesia. Và chúng tôi thực sự tự hào vì năm nay, Thủ tướng Việt Nam nhận lời phát biểu chính tại Đối thoại.

[Thủ tướng làm diễn giả chính khai mạc Shangri-La 12]

Việt Nam là một nước lớn và quan trọng ở Đông Nam Á. Mọi người đều rất ủng hộ chính sách ngày càng đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam hiện nay. Việt Nam không chỉ triển khai chính sách này trong nội bộ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà cả với các đối tác chủ chốt ở châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Ấn Độ và các nước khác.

Nếu xét dưới góc độ chính sách đối ngoại, tôi cho rằng với nền kinh tế ngày càng lớn mạnh, Việt Nam đang xây dựng những mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong cộng đồng thương mại. Trong bối cảnh đó, không chỉ có các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn nhiều khu vực khác trên thế giới mong muốn đầu tư vào Việt Nam.

- Trong một môi trường an ninh biến động và phức tạp ở châu Á-Thái Bình Dương với nhiều điểm nóng, Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng đối với nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định cho toàn bộ khu vực. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Tiến sỹ John Chipman:
Chúng tôi rất mong chờ bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam để hiểu hơn về những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng rõ ràng một điều rằng Việt Nam muốn đa dạng hóa các mối quan hệ của mình với nhiều nước lớn bên ngoài khu vực, các nước mà cũng có ý định tăng cường hợp tác với Việt Nam.

Anh đã ký thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Pháp cũng có những lợi ích lâu dài liên quan tới lịch sử ở khu vực. Nga cũng thường xuyên có đại diện tại Đối thoại Shangri-La. Các nước này cũng đang giúp Việt Nam thúc đẩy hơn nữa nỗ lực đa dạng hóa mối quan hệ không chỉ trong khu vực mà còn vươn ra bên ngoài. Khi Việt Nam xác định chính sách đối với khu vực trong mối quan hệ với chính sách toàn cầu thì tôi cho rằng việc Thủ tướng Việt Nam tới dự và phát biểu tại Đối thoại Shangri-La là rất quan trọng.

- Vậy chủ đề chính của Đối thoại Shangri-La 2013 là gì thưa ông? Liệu những tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông có là một đề tài nóng được đề cập đến trong Đối thoại lần này không?

- Tiến sỹ John Chipman:
Tôi cho rằng trong 2-3 năm vừa qua, những thách thức ở Biển Đông và những vấn đề tranh chấp chủ quyền khác đã trở thành chủ đề nổi bật tại Đối thoại Shangri-La. Chúng tôi đã tạo ra cơ hội để mỗi nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông chia sẻ quan điểm, đề cập tới triển vọng và thảo luận về giải pháp. Đã có nhiều cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Chúng tôi hy vọng rằng Đối thoại Shangri-La sẽ tạo cơ hội cho các bộ trưởng quốc phòng thúc đẩy tiến trình xây dựng COC.

Đáng chú ý là Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ để cùng hợp tác khai thác. Đây là điểm nhấn tốt đẹp trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm tìm ra giải pháp cho tranh chấp chủ quyền biển đảo. Kinh nghiệm này cũng nên mở rộng ra các nước khác.

Chúng tôi chờ đợi bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam để biết khả năng đạt được COC một cách cụ thể, cũng như các bước đi tiếp theo để thúc đẩy tiến trình. Điều này sẽ đảm bảo rằng vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ được xử lý trên nền tảng đa phương, chứ không phải song phương hay đơn phương.

- Đối thoại Shangri-La đang thu hút sự tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo, giới học giả, tướng lĩnh quân sự, các nhà ngoại giao để thảo luận hàng loạt các vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương. Vậy theo ông, làm thế nào để biến những kết quả tại Đối thoại thành chính sách an ninh, quốc phòng và đối ngoại của mỗi nước cũng như là các cơ chế đa phương như ASEAN?


- Tiến sỹ John Chipman: Đối thoại Shangri-La là rất quan trọng bởi đây là diễn đàn duy nhất có sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng đến từ châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và châu Âu. Tất cả các nước lớn có lợi ích trong môi trường an ninh châu Á-Thái Bình Dương đều tham dự tại Đối thoại này.

Thứ hai, Đối thoại thường diễn ra trong 3 ngày, một khoảng thời gian rất dài để các bên tiến hành những cuộc đối thoại, gặp gỡ đa phương, song phương, bên lề với nhiều cấp độ khác nhau.

Thứ ba, Đối thoại là kênh không chính thức, cho nên không cần phải dành quá nhiều thời gian cho việc đàm phán về tuyên bố chung, thông cáo báo chí... Trên thực tế, rất nhiều thỏa thuận, hiệp định có thể bắt nguồn hoặc được ký kết tại Đối thoại Shangri-La. Ví dụ, đối thoại Shangri-La từng đề xuất về hiệp định mở cửa bầu trời, hoặc đưa ra những sáng kiến cứu trợ thảm họa thiên tai cho người dân châu Á-Thái Bình Dương.

Chúng tôi hy vọng Đối thoại Shangri-La sẽ giúc thúc đẩy tiến trình xây dựng COC, cũng như tất cả các vấn đề mà các đoàn đại biểu thảo luận với nhau sẽ biến thành hiện thực.

- Xin cảm ơn tiến sỹ!


Kể từ năm 2002, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) - một viện nghiên cứu độc lập có uy tín, đặt trụ sở tại London, Vương quốc Anh, đứng ra tổ chức Đối thoại ShangriLa thường niên ở Singapore nhằm thảo luận các vấn đề an ninh-quốc phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực đang có những diễn biến nhanh chóng và phức tạp, thì Đối thoại Shangri-La ngày càng phát huy vai trò là một kênh trao đổi quan trọng, thu hút sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao, tướng lĩnh, giới học giả, giới ngoại giao đến từ các nước khu vực và ngoài khu vực.


Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 năm 2013, ban lãnh đạo IISS đã mời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là diễn giả chính với bài phát biểu quan trọng. Điều này cho thấy vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng./.
 

Lê Phương-Huy Hiệp/London (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục