IISS: Triển vọng can thiệp quân sự tại Syria xa vời

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Anh (IISS) cho rằng triển vọng can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria vẫn còn còn xa vời.
Bất chấp những tranh luận ngày càng gia tăng những tuần gần đây về khả năng can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria trong bối cảnh cuộc "nội chiến" vẫn diễn biến phức tạp, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Anh (IISS) cho rằng triển vọng can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria vẫn còn xa vời khi xét tới sự phức tạp của cuộc khủng hoảng tại Syria, những tác động đối với khu vực và sự bế tắc tại Liên hợp quốc cũng như chi phí ước tính cho việc can thiệp quân sự.

Trong nhận định đưa ra trên Tạp chí Bình luận Chiến lược, IISS lý giải rằng dù rất lo ngại về cuộc khủng hoảng tại Syria nhưng hiện vẫn chưa có đủ áp lực của dân chúng ở trong nước để các quốc gia phương Tây có thể tiến hành can thiệp quân sự. Ngoài ra, sự mệt mỏi đối với việc can dự vào Trung Đông cũng như sự hoài nghi sâu sắc trong giới lãnh đạo quân sự về những gì có thể đạt được và liệu sẽ mất gì cũng góp phần làm giảm nguy cơ phương Tây can thiệp quân sự vào Syria.

Bên cạnh đó, một sự ủy thác hành động của Liên hợp quốc có vẻ như không thể đạt được trước sự phản đối của Trung Quốc và Nga bởi những tính toán chính trị của hai quốc gia này. Sự ủng hộ và hỗ trợ của các quốc gia Arập là không thể thiếu nhưng lại bị hạn chế. Chẳng hạn như Tổng thống Ai Cập Muhamad Morsi đã kêu gọi sự ra đi của ông Assad nhưng lại phản đối can thiệp quân sự.

["NATO đặt nền móng cho việc can thiệp vào Syria"]

Tổ chức Các quốc gia Hồi giáo (OIC) đình chỉ tư cách thành viên của Syria nhưng nhiều khả năng sẽ không tán thành can thiệp. Quan trọng hơn cả là sự đồng lòng lớn trong phe đối lập tại Syria trong việc phản đối hành động can thiệp trực tiếp.

Một số chính trị gia Mỹ vốn chỉ trích sự cẩn trọng của chính quyền Tổng thống Obama đã lên tiếng kêu gọi can thiệp quân sự, nhưng cũng không giành được nhiều sự ủng hộ. Trước thực trạng người tị nạn Syria gia tăng, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hâm nóng ý tưởng về vùng cấm bay, nhưng ngay sau đó cũng đã dừng không tiếp tục vận động thực hiện. Pháp cũng tuyên bố muốn thiết lập vùng cấm bay nhưng với điều kiện là phải có sự ủy thác của Liên hợp quốc. Còn các quốc gia vùng Vịnh, vẫn đang tiếp tục chờ đợi sự chỉ đạo từ phương Tây.

Cho đến nay, hai lựa chọn can thiệp được thảo luận nhiều nhất là thiết lập vùng cấm bay, hoặc vùng an toàn. Tuy nhiên, IISS cho rằng những thách thức thực tế của cả hai lựa chọn này là đáng kể. Các quan chức phương Tây lo ngại rằng bất kỳ một hình thức can thiệp nào cũng đòi hỏi phải hủy diệt quân đội Syria. Với những quan ngại về vũ khí hóa học của Syria cũng như vấn đề an ninh nội địa, triển vọng Syria hậu Assad và bài học từ Iraq, rõ ràng sự không sẵn lòng can thiệp là điều dễ hiểu.

Các nhà hoạch định quân sự phương Tây cũng dự tính rằng một khi mối đe dọa trên không được loại bỏ, lực lượng nổi loạn có thể sẽ đòi hỏi mở rộng mục tiêu tấn công. Họ cũng quan ngại rằng tình hình trong lực lượng đối lập tại Syria có thể làm phức tạp quá trình thu thập thông tin tình báo để xác định mục tiêu cũng như có một bức tranh tổng thể về thế trận. Hơn nữa, các chiến dịch trên không cũng đòi hỏi phải triển khai các lực lượng đặc nhiệm và lực lượng mặt đất.

Một thách thức khác là quân đội Syria cũng có thực lực phòng không đáng kể, dù mới chỉ được hiện đại hóa một phần. Hệ thống phòng không của Syria lớn hơn nhiều so với những gì mà các lực lượng NATO đối mặt tại Libya.

Hệ thống phòng không mặt đất và hệ thống tên lửa đất đối không có thể tạo ra một mối đe dọa đáng kể, đặc biệt là hệ thống tên lửa tầm trung SA-11, SA-17 và tên lửa tầm ngắn SA-22. Bên cạnh đó, chính quyền của ông Assad chắc chắn cũng đã có kế hoạch khẩn cấp đối phó với bất kỳ một hành động can thiệp quân sự nào, và cũng không loại trừ khả năng có được sự cố vấn từ Nga và Iran.

Ngoài ra, bất kể một chiến dịch can thiệp trên không nào cũng sẽ đòi hỏi việc sử dụng các căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, Síp và Jordan và sẽ khiến các quốc gia này có thể sẽ phải đối mặt với hành động trả đũa. Còn việc triển khai lực lượng mặt đất để bảo vệ vùng an toàn hay vùng cấm bay đòi hỏi phải có ít nhất 50.000 quân. Có vẻ như không có quốc gia nào mong muốn đương đầu với lựa chọn này.

IISS kết luận rằng dù khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vẫn còn xa vời nhưng cuộc khủng hoảng tại Syria vẫn là một vấn đề cấp bách đối với các nhà lãnh đạo phe đối lập, các nhà hoạch định chính sách của các nước Arập, Thổ Nhĩ Kỳ và các cường quốc phương Tây khi con số thương vong tiếp tục tăng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục