ILO: 215 triệu trẻ phải lao động kiếm sống hàng ngày

Theo ILO, hiện khoảng 215 triệu trẻ em phải lao động hàng ngày để kiếm sống, trong đó 115 triệu em phải làm công việc nặng nhọc, độc hại.
Ngày 29/4, tại trụ sở chính ở New York, Mỹ, Liên hợp quốc đã cho lưu hành Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhận định rằng các biện pháp bảo vệ trẻ em từ phía xã hội và cộng đồng dân cư đang đóng vai trò then chốt, vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống lại tình trạng lao động trẻ em đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Dưới nhan đề "Lao động trẻ em trên thế giới," báo cáo trên đã đưa ra số liệu thống kê của ILO, theo đó, hiện nay trên toàn cầu có khoảng 215 triệu trẻ em phải lao động hàng ngày để kiếm sống, trong đó 115 triệu em phải làm những công việc nặng nhọc, độc hại, hoặc hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với tuổi thơ, kể cả việc phải phục vụ tình dục.

Tại một số nước châu Phi như Zimbabue, Botswana, Namibia..., tình trạng bóc lột sức lao động trẻ em, nhất là các em bé mồ côi cha mẹ, còn trầm trọng hơn.

Trong bối cảnh như vậy, ILO cho rằng rất cần sự trợ giúp của xã hội để tăng thu nhập cho những gia đình người thân đang cưu mang các em, qua đó, giúp các em được giảm bớt số giờ phải làm việc để kiếm sống, tiến tới được đến trường như các bạn đồng lứa.

ILO kêu gọi các chính phủ thông qua những chiến lược quốc gia, phối hợp hoạt động cùng tổ chức này để ngăn chặn tình trạng cưỡng bức lao động trẻ em, trước hết là việc cải thiện đời sống cho các gia đình nghèo khó trong xã hội để con em họ không phải tự kiếm sống, thậm chí phải kiếm tiền nuôi gia đình ngay ở tuổi thơ ấu. ILO đặc biệt đánh giá cao chương trình của Chính phủ Brazil, hàng tháng cung cấp một khoản tiền nhất định cho các gia đình nghèo, với điều kiện họ phải cho con đi học.

Chương trình này đã giúp giảm đáng kể số trẻ em thất học ở quốc gia Nam Mỹ này, và đã giúp rất nhiều em nhỏ, cả ở thành thị lẫn nông thôn, thoát khỏi tình trạng lao động trẻ em.

ILO kêu gọi nhân rộng mô hình trên của Brazil, và khẳng định ở đâu có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng từ xã hội, ở đó chắc chắn giảm bớt được tình trạng lao động trẻ em, để các em được hưởng đầy đủ các quyền như các công ước quốc tế đã quy định./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục