ILO: Indonesia cần đẩy mạnh cải thiện an sinh xã hội

Hiệu quả chương trình cải thiện bảo vệ an sinh xã hội tại Indonesia chưa cao do thiếu sự ủng hộ đầy đủ từ chính quyền các cấp cơ sở.
Đại diện Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) phụ trách về các chương trình quốc gia tại Indonesia, Dede Shinta cho biết Chính phủ Indonesia đã rất nỗ lực giải quyết đói nghèo trẻ em và cải thiện bảo vệ an sinh xã hội cho người dân thông qua các chương trình quốc gia khác nhau, song hiệu quả còn chưa cao do thiếu sự ủng hộ đầy đủ từ chính quyền các cấp cơ sở trong việc triển khai thực hiện.

Indonesia đứng thứ 100/176 quốc gia về bảo vệ sức khỏe trẻ em trong đánh giá xếp hạng của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ILO đã chỉ ra một số vấn đề tiếp tục đặt ra những thách thức cho các chương trình an sinh xã hội của Indonesia, như thiếu sự hiểu biết hay thiếu kiến thức về các chính sách và các quy định của chính phủ ở các cấp cơ sở, thiếu sự cam kết ở những địa phương chưa coi giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người có thu nhập thấp là ưu tiên hàng đầu.

ILO cũng lưu ý là lao động trẻ em ở một số khu vực của Indonesia vẫn đang là nguồn thu nhập chính cho hầu hết các gia đình có thu nhập thấp, và đương nhiên số trẻ em này không có điều kiện hay có điều kiện không đầy đủ để tiếp cận với giáo dục phổ thông.

Số liệu chính thức do Chính phủ Indonesia công bố hồi tháng Chín năm ngoái cho biết hiện ở đất nước Vạn Đảo – nền kinh tế lớn nhất và đông dân nhất Đông Nam Á, vẫn còn 28.590.000 người sống nghèo đói với thu nhập dưới 1 USD/ngày.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Trẻ em Indonesia (Komnas), Seto Mulyadi cho rằng lỗi của việc để xẩy ra tình trạng lao động trẻ em thuộc về chính phủ, và để cải thiện điều này Chính phủ Indonesia đã thành lập Ủy ban Hành động Quốc gia xóa bỏ mọi hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất và đưa ra Chương trình Hành động Quốc gia nhằm chấm dứt mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2020.

Ông Seto Mulyadi nêu rõ hiệu quả các chương trình phúc lợi và an sinh xã hội của Chính phủ Indonesia chưa cao, nhất là đối với trẻ em, do chưa giải quyết được gốc rễ kinh kế của vấn đề. Trẻ em sẽ chỉ được giúp đỡ nếu cha mẹ của chúng được giúp đỡ, không những từ Chính phủ trung ương, mà còn từ chính quyền các cấp ở địa phương, cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ.

Điều này giải thích vì sao nhiều trẻ em đường phố ở Indonesia được cấp đồng phục, sách vở và dụng cụ học tập, ăn trưa miễn phí, không phải đóng tiền học, song vẫn phải kiếm tiền trên đường phố thay vì tới trường.

Bộ Nguồn nhân lực Indonesia hồi đầu năm nay đã khởi động một chương trình quốc gia mới để hỗ trợ cho mục tiêu xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2020 của Chính phủ, theo đó những em phải lao động sẽ được giải phóng khỏi nơi làm việc, sống tập trung trong thời gian bốn tháng để tham gia một chương trình tư vấn đặc biệt với khoản trợ cấp 250.000 rupiah mỗi tháng. Kế hoạch ngân sách năm 2013 của Chính phủ Indonesia cũng đã phân bổ 20% (287.000 tỷ rupiah) cho giáo dục.

Bà Dede Shinta khuyến cáo Chính phủ Indonesia cần tăng cường tính thống nhất và giám sát hiệu quả việc thực hiện các chính sách của mình ở các cấp cơ sở để có thể hoàn thành các mục tiêu của các chương trình quốc gia, trong đó có chương trình Bảo hiểm do Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đưa ra hồi năm ngoái, nhằm bắt đầu thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân từ năm 2014 và hoàn thành bảo hiểm đầy đủ vào năm 2019.

Ngoài ra, theo bà Dede Shinta, Chính phủ Indonesia còn cần tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe toàn dân, bởi hiện mới chỉ sừ dụng 1-1,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho lĩnh vực này, thấp hơn so với mức 3% GDP dành cho trợ cấp nhiên liệu, và thấp hơn so với nhiều nước khác ở Châu Á, như Nepal hay Thái Lan./.

Việt Tú /Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục