ILO: Khởi động trạng thái 'bình thường mới' cho người chịu thiếu thốn

Tổng giám đốc ILO: Khởi động trạng thái 'bình thường mới' tốt đẹp hơn

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 chính là cơ hội để nhìn nhận kỹ hơn về trạng thái bình thường mới và khởi động nhiệm vụ biến nó thành trạng thái tốt đẹp hơn cho những người còn chịu nhiều thiếu thốn.
(Ảnh minh họa: TTXVN)
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Nhân ngày 1/5, báo VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế về trạng thái "bình thường mới."

Trong thời kỳ khủng hoảng COVID-19 hiện nay, thách thức lớn với hầu hết chúng ta là làm thế nào để bảo vệ bản thân và gia đình không bị lây nhiễm virus và làm thế nào để tiếp tục công việc của mình. Đối với các nhà hoạch định chính sách, thách thức của họ là làm thế nào để đẩy lùi đại dịch mà không gây ra những thiệt hại vĩnh viễn đối với nền kinh tế.

Với hơn 3 triệu ca nhiễm và khoảng 217.000 người tử vong do virus trên toàn cầu tính đến nay và tổn thất ước tính tương đương với 305 triệu việc làm mất đi trên toàn thế giới trong nửa đầu năm 2020, ván cược này trở nên lớn hơn bao giờ hết. Các chính phủ tiếp tục “dựa vào khoa học” để tìm ra giải pháp tốt nhất trong khi lại xem nhẹ lợi ích hiển nhiên mà hợp tác quốc tế ở phạm vi lớn hơn nữa sẽ mang lại trong việc xây dựng những chính sách toàn cầu cần thiết để ứng phó với thách thức mang tính toàn cầu này.

Nhưng với cuộc chiến chống COVID-19 mà chúng ta vẫn đang phải tiếp tục đương đầu, một điểm chung đang chờ đợi chúng ta sau khi chiến thắng đại dịch là một “trạng thái bình thường mới” trong cách thức tổ chức xã hội và trong phương thức làm việc của chúng ta.

Điều này cũng khó có thể chắc chắn được, bởi vì dường như không ai có thể dự đoán được trạng thái bình thường mới sẽ như thế nào. Bên cạnh đó, thông điệp đưa ra ở đây là trạng thái này sẽ được quyết định bởi những tác động của đại dịch chứ không phải do lựa chọn hay mong muốn của chúng ta. Và, bởi vì từ trước đến giờ, chúng ta chưa hề nghe nói đến điều này.

Câu nói làm yên lòng người trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 là khi nào phát triển được và đưa vào sử dụng loại vắc-xin ngừa virus khiến nền tài chính quá tải, nền kinh tế toàn cầu sẽ trở nên an toàn, công bằng và bền vững hơn. Thế nhưng điều đó đã không xảy ra. Trạng thái bình thường cũ lại được khôi phục với những vết sẹo đã hằn sâu và những người ở tầng lớp thấp hơn trong thị trường lao động thấy mình thậm chí còn bị bỏ xa hơn ở phía sau.

[ILO: Gần một nửa lực lượng lao động toàn cầu có nguy cơ mất sinh kế]

Vì vậy, ngày mùng 1/5, ngày Quốc tế Lao động, chính là cơ hội để nhìn nhận kỹ hơn về trạng thái bình thường mới này và khởi động nhiệm vụ biến nó thành trạng thái bình thường mới tốt đẹp hơn, không hẳn là hơn nhiều với những người đã có tương đối đầy đủ mọi thứ, mà là tốt đẹp hơn cho những người còn chịu nhiều thiếu thốn.

Tổng giám đốc ILO: Khởi động trạng thái 'bình thường mới' tốt đẹp hơn ảnh 1Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế. (Nguồn: ILO)

Đại dịch này đã vạch trần một cách không thương tiếc những vấn đề tồn tại và bất công nghiêm trọng trong thế giới việc làm của chúng ta. Đó là sự suy giảm sinh kế theo cấp số nhân trong khu vực kinh tế phi chính thức (nơi 60% người lao động đang mưu sinh) là khu vực mà đồng nghiệp của chúng tôi ở Chương trình Lương thực Thế giới (FAO) đã cảnh báo về nạn đói có thể xảy ra. Đó là lỗ hổng trong những hệ thống bảo trợ xã hội của cả những quốc gia giàu có nhất khiến cho hàng triệu người phải sống trong khốn khó. Đó là sự thất bại trong việc đảm bảo an toàn tại nơi làm việc khiến cho gần 3 triệu người thiệt mạng mỗi năm vì chính công việc mà họ làm. Và, đó là sự gia tăng bất kiểm soát của bất bình đẳng, đồng nghĩa với việc, nếu trên góc độ y học, virus không phân biệt nạn nhân của nó là ai, thì về tác động kinh tế và xã hội, virus lại phân biệt đối xử một cách tàn nhẫn với những người nghèo nhất và những người không có quyền lực trong xã hội.

Trước đại dịch, sự thâm hụt về việc làm thỏa đáng hầu như đã diễn ra âm thầm trong tuyệt vọng trong những thời kỳ đơn lẻ khác nhau. Chính vì thế, nhân đại dịch COVID-19 này, nó đã tạo nên thảm họa xã hội cộng gộp mà thế giới hiện đang phải đối diện. Chúng ta luôn biết rằng: trước đây chúng ta đã chọn cách đơn giản là tảng lờ điều đó. Nhìn chung, những lựa chọn chính sách trước đây chỉ để làm cho xong nghĩa vụ hay chỉ thực hiện một cách chểnh mảng, đã làm trầm trọng thêm vấn đề thay vì giải quyết vấn đề đó.

Năm mươi năm trước đây, Martin Luther King, khi phát biểu trước các công nhân vệ sinh đình công ngay trước thời điểm ông bị ám sát, đã nhắc cho cả thế giới nhớ rằng mọi người lao động đều có nhân phẩm. Ngày nay, tương tự như vậy, virus cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng ở mọi lúc, mọi nơi, và đôi khi là anh hùng của những anh hùng lao động trong đại dịch này. Đó là những người mà chẳng ai để ý, bị xem thường, bị đánh giá thấp và thậm chí bị bỏ qua. Nhân viên y tế, những người làm công việc chăm sóc, nhân viên vệ sinh, thu ngân ở siêu thị, nhân viên vận tải-thường là đối tượng chiếm số đông trong tầng lớp lao động nghèo và có cuộc sống bấp bênh.

Vào thời điểm này, việc xem thường giá trị của những người lao động này và hàng triệu người khác là biểu hiện của sự thất bại về chính sách trong quá khứ và là trách nhiệm tương lai của chúng ta.

Vào ngày Quốc tế Lao động năm sau, chắc hẳn đại dịch COVID-19 đã bị đẩy lùi. Nhưng trước mắt chúng ta vẫn còn nhiệm vụ xây dựng một tương lai việc làm có thể giải quyết mọi bất công mà đại dịch đã làm lộ rõ cùng với những thách thức đã luôn hiện hữu và không thể tiếp tục trì hoãn về khí hậu, về công cuộc chuyển đổi số và những vấn đề về dân số.

Đó chính là những điều sẽ định nghĩa nên trạng thái bình thường mới tốt đẹp hơn và sẽ phải trở thành di sản muôn đời của đại dịch COVID-19 năm 2020./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục