IMF: Cần nhiều nỗ lực để phục hồi kinh tế toàn cầu

IMF nhận định kinh tế toàn cầu đã le lói sự phục hồi song cảnh báo các nước vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đưa nền kinh tế đi đúng hướng.

Tại cuộc họp báo đầu tiên trong năm 2013 vào ngày 17/1, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định mối đe dọa về sự sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu dường như đã được đẩy lùi và kinh tế toàn cầu đã le lói sự phục hồi, song cảnh báo các quốc gia trên cả thế giới vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đưa nền kinh tế đi đúng hướng.

Theo bà Lagarde, thế giới đã tránh được nguy cơ sụp đổ về tài chính nhờ những hành động quyết liệt của các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là ở các nước phát triển, dù các quyết định thường được đưa ra vào phút chót.

Bà cho rằng các đầu tàu của kinh tế thế giới như Mỹ và các nước châu Âu đã có những bước đi quan trọng nhằm củng cố hệ thống tài chính, song vẫn còn nhiều việc phải làm.

Người đứng đầu IMF chỉ ra những dấu hiệu cho thấy các cải cách hệ thống tài chính đang bị trì hoãn và bị sao nhãng, và các ngân hàng đang chậm trễ trong việc thực hiện những cải cách cần thiết. Bà nêu rõ điều quan trọng là phải thực thi các chính sách nhằm chấm dứt tình trạng mất ổn định về tài chính trong trung hạn, nhất là ở các nước phát triển.

Bà Lagarde nói Khu vực sử dụng đồng euro, trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ công, đang là trở ngại chính đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu những năm gần đây, đã đạt được nhiều tiến triển trong vấn đề cải cách và đã đưa ra được những công cụ mới để đối phó với khủng hoảng, song cần làm nhiều hơn để giải quyết các vấn đề của khu vực.

Bà nhấn mạnh châu Âu cần thực thi các cam kết nhằm đẩy lùi khủng hoảng nợ, khi lo ngại về những rủi ro đến từ cuộc khủng hoảng này vẫn còn. Các bức tường lửa như Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) và chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã không chứng tỏ được sự sẵn sàng trong hoạt động. Tiến trình thành lập liên minh ngân hàng cần được đẩy nhanh và việc ECB nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa và góp phần hạ lãi suất trái phiếu của các nước thành viên gặp khó khăn có thể là cần thiết.

Trong khi đó, Tổng giám đốc IMF kêu gọi các chính trị gia Mỹ nhượng bộ nhau trong vấn đề trần nợ công và các kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách, cân nhắc tới những lợi ích quốc gia cũng như quốc tế để tránh mắc phải sai lầm chính trị một lần nữa bởi sẽ là một thảm họa cho thế giới nếu trần nợ của Mỹ không được nâng lên kịp thời.

Trong lúc Mỹ đã chạm trần nợ (16.400 tỷ USD) vào ngày cuối cùng của năm ngoái và Bộ Tài chính nước này đang phải sử dụng các biện pháp đặc biệt để tránh nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế, các nghị sỹ đảng Cộng hòa muốn sử dụng vấn đề trần nợ để gây sức ép với đảng Dân chủ trong việc cắt giảm chi tiêu hơn nữa.

Bà Lagarde cũng hối thúc Mỹ hoàn tất các cải cách đối với hệ thống tài chính khi cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này xảy ra hơn bốn năm trước đã đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

Về các nền kinh tế mới nổi, bà Lagarde khuyến cáo dù trong tình trạng tốt hơn song các nền kinh tế này cần lường trước những tác động tiêu cực từ các nền kinh tế phát triển.

Đối với Trung Quốc, một trong những nền kinh tế mới nổi đã có sự bứt phá mạnh mẽ trước các nền kinh tế phát triển trong những năm gần đây, bà Lagarde nhận định kinh tế nước này sẽ tiếp tục tăng trưởng kinh tế ấn tượng.

Trung Quốc hiện đang trong quá trình tái cân bằng nền kinh tế, với việc chuyển trọng tâm từ xuất khẩu sang tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh việc tập trung vào nhiệm vụ củng cố tài chính, bà Lagarde nhấn mạnh lãnh đạo các nước cũng cần tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để có thể tạo thêm việc làm trong lúc hơn 200 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu. Bà cho rằng thế giới cần tăng trưởng kinh tế vững chắc bởi đây là cơ sở để tạo nhiều việc làm hơn, tái cân bằng về kinh tế và củng cố tài chính./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục