IMF cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế trong 2012

Giám đốc Chương trình châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Antonio Borges đã cảnh báo nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế trong năm 2012.

Ngày 5/10, Giám đốc Chương trình châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Antonio Borges đã cảnh báo nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế trong năm 2012, đặc biệt là tại các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), vốn đang đồng thời sa lầy vào hai cuộc khủng hoảng là nợ công và hệ thống ngân hàng.

 

IMF vẫn đánh giá tăng trưởng kinh tế châu Âu trong năm tới sẽ đạt mức tăng trưởng 1,1% song cũng thừa nhận đã từng đưa ra dự báo sai cho năm 2011. Các chuyên gia kinh tế cho rằng tình trạng kinh tế suy giảm với tốc độ nhanh hơn dự báo ở Italia và Tây Ban Nha, kết hợp với tình trạng gần như trì trệ ở Pháp và Đức - hai nền kinh tế đầu tàu của Eurozone, đã chứng tỏ rằng quá trình phục hồi ở khu vực này bị ngừng lại.

 

Theo IMF, khả năng tốt nhất mà "lục địa già" có thể hy vọng trong năm sau là đạt được mức tăng trưởng "rất vừa phải." Trước đó, hồi cuối tháng Chín vừa qua, thể chế tài chính đa phương này cũng cảnh báo kinh tế toàn cầu đã bước vào giai đoạn nguy hiểm mới và rằng việc các nền kinh tế phương Tây rơi trở lại suy thoái sẽ gây ra phản ứng dây chuyền đối với phần còn lại của thế giới.

 

Đồng quan điểm với IMF, công ty xếp hạng mức độ tín nhiệm hàng đầu thế giới Standard & Poor's (S&P) đã điều chỉnh giảm dự đoán tăng trưởng tại Eurozone trong năm 2012, đồng thời cảnh báo khu vực này đang ngày càng tiến gần đến nguy cơ suy thoái. Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs cũng dự đoán Eurozone sẽ rơi vào suy thoái nhẹ và kinh tế toàn cầu đạt mức tăng trưởng 3,5%.

 

Về vấn đề khủng hoảng nợ công châu Âu, lần đầu tiên IMF đã công khai đề cập đến khả năng trực tiếp can thiệp vào các thị trường trái phiếu ở Italia và Tây Ban Nha nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ nhấn chìm hai nền kinh tế này. Ngoài ra, IMF cũng có thể dành cho hai quốc gia này những nguồn tín dụng phòng ngừa. Đây được coi là đề nghị bất ngờ vì cho đến nay mặc dù đóng góp tới 105 tỷ USD, chiếm tới 30% trong tổng số tiền cứu trợ dành cho các nền kinh tế châu Âu, song IMF chưa bao giờ can thiệp vào các thị trường tự do.

 

Tuyên bố trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ, ông Borges cho biết IMF có nhiều sự lựa chọn có thể được đưa ra thảo luận nhằm khôi phục lòng tin cho các nền kinh tế nói trên. IMF sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực của châu Âu nhằm cứu Italia và Tây Ban Nha ngay khi tất cả các quốc gia phê chuẩn những thay đổi trong Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) mà đã được nhất trí hồi tháng Bảy.

 

Ngoài ra, quan chức IMF còn nhấn mạnh EFSF cần hành động phối hợp đối với các ngân hàng nhằm khôi phục lòng tin đối với khu vực tài chính. IMF nêu rõ đang xảy ra một cuộc khủng hoảng lòng tin và tình trạng này chỉ có thể giải quyết thông qua hành động ở cấp độ khu vực.

 

Ngoài ra, IMF cũng đề nghị tăng quyền hạn của EFSF, theo đó cho phép quỹ này trực tiếp tham gia quá trình tái cơ cấu vốn cho các ngân hàng cũng đang trong tình trạng khó khăn do cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng. Hiện tại, Bỉ và Pháp đang tìm cách cứu Dexia, một ngân hàng lớn châu Âu đang có nguy cơ trở thành nạn nhân phá sản đầu tiên của khu vực ngân hàng do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng nợ bùng nổ từ Hy Lạp.

 

Trong khi đó, đối với Hy Lạp, IMF lại cho rằng không cần vội vã quyết định thực hiện đợt giải ngân tiếp theo trong khoản cứu trợ dành cho quốc gia này vì từ giờ cho đến tháng 12, Athens chưa phải đối mặt với đợt thanh toán trái phiếu lớn nào.

Nhận định này được cho là đã gia tăng sức ép đối với Hy Lạp vì Athens đã thông báo chỉ còn đủ tiền trả lương và trợ cấp hưu trí đến giữa tháng 12 nếu như không nhận được đợt giải ngân 11 tỷ USD trong gói cứu trợ đầu tiên trị giá 145 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục