IMF hoài nghi về khả năng trả nợ của Hy Lạp trong dài hạn

IMF nêu rõ việc Eurozone nhất trí giảm nợ cho Hy Lạp đã cải thiện đáng kể khả năng thanh toán nợ của nước này trong trung hạn, song các triển vọng trong dài hạn vẫn chưa chắc chắn.
IMF hoài nghi về khả năng trả nợ của Hy Lạp trong dài hạn ảnh 1Người dân mua sắm tại một chợ rau quả ở Athens, Hy Lạp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 29/6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố khả năng thanh toán nợ của Hy Lạp trong dài hạn là không chắc chắn.

Trong một báo cáo sơ bộ, IMF nêu rõ việc các quốc gia thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) mới đây nhất trí giảm nợ cho Hy Lạp đã cải thiện đáng kể khả năng thanh toán nợ của nước này trong trung hạn, song các triển vọng trong dài hạn vẫn chưa chắc chắn.

Hồi tuần trước, các Bộ trưởng Tài chính Eurozone chấp nhận gia hạn thêm 10 năm cho phần lớn trong tổng khoản nợ bắt buộc của Hy Lạp đã lên tới tương đương 180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đổi lại, Hy Lạp cam kết duy trì thặng dư ngân sách, không bao gồm các khoản trả nợ, ở mức 3,5% tới năm 2022, và 2,2% tới năm 2060.

[S&P nâng bậc xếp hạng tín dụng cho Hy Lạp lên mức B+]

Đại diện của IMF Peter Dohlman nhận định sẽ là một thách thức đối với Hy Lạp trong việc đạt được mục tiêu về thặng dư ngân sách nói trên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ ở nước này vẫn để lại nhiều rủi ro đáng kể. Ông Dohlman nhấn mạnh các yếu tố cản trở Hy Lạp đạt được mục tiêu trên như nợ tư nhân gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao 20% và gánh nặng nợ xấu tại các ngân hàng.

Theo IMF, kể từ năm 1945 đến nay, chỉ có năm quốc gia thuộc Eurozone là có thể duy trì mức cân đối ngân sách cơ bản ở mức cao hơn 1,5% GDP trong giai đoạn hơn 10 năm, và chỉ có duy nhất Italy có thể đạt mục tiêu này trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở mức hai con số.

Trước đó, ngày 22/6, các Bộ trưởng Tài chính Eurozone nhất trí giảm nợ và giải ngân khoản cuối cùng trong gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro dành cho Hy Lạp.

Hy Lạp dự kiến sẽ rời khỏi chương trình cứu trợ vào ngày 20/8 tới. Thỏa thuận nêu trên là một bước ngoặt quan trọng đối với khu vực Eurozone sau gần một thập niên kể từ cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp đã khiến thế giới choáng váng vì những khoản chi tiêu vượt tầm kiểm soát. Chính cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến ba gói cứu trợ và từng đẩy đồng euro đến bên bờ vực sụp đổ.

Hy Lạp hiện còn nợ IMF khoảng 10 tỷ euro và dự kiến sẽ thanh toán đầy đủ trước năm 2024. IMF đang thực hiện vai trò cố vấn và dự kiến sẽ phối hợp cùng các thể chế châu Âu cử chuyên gia tới Hy Lạp để tiến hành kiểm toán 2 lần/năm. Dự kiến, thể chế cho vay lớn nhất thế giới này sẽ công bố báo cáo phân tích về khả năng thanh toán nợ của Hy Lạp vào đầu tháng Tám tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục