IMF: Kinh tế thế giới "bắt đầu" thoát khủng hoảng

Nhà kinh tế trưởng IMF nhận định kinh tế thế giới đã bắt đầu thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng quá trình phục hồi không đơn giản do cuộc khủng hoảng đã để lại "những vết thương sâu".
Kinh tế thế giới đã bắt đầu thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính song để duy trì sự phục hồi ổn định các nước vẫn cần tiếp tục hành động.

Đây là tuyên bố của nhà kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Olivier Blanchard đưa ra trong bài báo "Duy trì sự phục hồi kinh tế toàn cầu" ngày 18/8.

Theo ông Blanchard, quá trình phục hồi kinh tế không hề đơn giản do cuộc khủng hoảng đã để lại "những vết thương sâu" cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến tình hình cung-cầu trong nhiều năm tới.

Ông cho rằng sức tiêu thụ của Mỹ, chiếm tới 70% nền kinh tế của cường quốc này và phần lớn nhu cầu thế giới, sẽ không thể phục hồi nhanh chóng như thời kỳ trước khủng hoảng.

Nhà kinh tế hàng đầu của IMF nêu rõ để đối phó với khủng hoảng, các ngân hàng trung ương thường hạ lãi suất nhằm tác động tới cung-cầu và giá trị của đồng tiền.

Ông Blanchard cho rằng trong giai đoạn khủng hoảng, việc tăng trưởng thấp hơn bình thường một lúc nào đó cũng có thể tạo ra mức tăng trưởng mới cao hơn cho đến khi nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay tương đối đặc biệt do các hệ thống tài chính của nhiều nước phát triển đã bị phá vỡ, và cần nhiều thời gian để có thể khôi phục nó.

Trước đó, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) cũng nhận định rằng nền kinh tế thế giới đã dần ổn định và đang có dấu hiệu phục hồi vì ngân hàng trung ương các nước không có bất cứ sự điều chỉnh nào về lãi suất trong thời gian vừa qua.

Theo các chuyên gia kinh tế của RBA, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã chạm đáy và đã bắt đầu tăng trưởng trở lại, đặc biệt là kinh tế của Trung Quốc./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục