IMF: Kinh tế thế giới phục hồi sớm nhưng "yếu ớt"

IMF nhận định kinh tế thế giới có thể tiến tới ngưỡng phục hồi sớm hơn 3 tháng so với dự kiến trước đây, nhưng là sự phục hồi "yếu ớt".

Kinh tế thế giới hiện vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng và phải đối mặt với những hậu quả về mặt xã hội như tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục leo thang, ít nhất là trong 1 năm nữa.
Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn nhận định kinh tế thế giới có thể tiến tới ngưỡng phục hồi vào đầu năm 2010, sớm hơn 3 tháng so với dự kiến trước đây, nhưng là sự phục hồi "yếu ớt".

Đặc biệt, tình trạng phục hồi sẽ không bền vững nếu các chính phủ vội vàng kết thúc các chương trình kích thích kinh tế quá sớm.

Theo ông Strauss-Kahn, IMF sẽ điều chỉnh lại dự báo về triển vọng kinh tế thế giới trong năm nay và sang năm theo chiều hướng đi lên, trong bối cảnh các công ty bắt đầu tích trữ hành hóa và các biện pháp hỗ trợ kinh tế được đồng loạt triển khai.

Những thống kê kinh tế mới đây của Đức, Pháp và Anh nói chung đều khả quan và đã thổi một luồng sinh khí mới vào các thị trường chứng khoán. Chỉ số chứng khoán tại các thị trường mới nổi đã lập mức cao kỷ lục kể từ sau vụ Lehman. Nhưng các chính phủ và các ngân hàng trung ương vẫn tỏ ra khá thận trọng.

Trả lời phỏng vấn tờ Expansion (Tây Ban Nha), thành viên trong ban điều hành Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Manuel Gonzalez-Paramo cho rằng các thị trường dường như đã phản ứng quá lạc quan trước những số liệu mới đây.

Ngay tại Trung Quốc - một trong những động cơ chính của cỗ máy tăng trưởng toàn cầu trong 10 năm qua, một quan chức cấp cao cũng cho rằng nền kinh tế đã khá lên, nhưng sự phục hồi chưa thật bền vững.

Đặc biệt, trong phiên họp cuối tuần trước, các Bộ trưởng Tài chính của nhóm G20 cũng nhất trí rằng chưa đến lúc dừng các gói kích thích trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Trong khi đó, ông Strauss-Kahn khẳng định cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã thoát đáy, và nguy cơ xảy ra một vụ sụp đổ khác kiểu Lehman Brothers đã lùi vào dĩ vãng.

Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng và phải đối mặt với những hậu quả về mặt xã hội như tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục leo thang, ít nhất là trong 1 năm nữa.

Người đứng đầu IMF cho rằng triển vọng kinh tế của Italia sẽ được cải thiện, và cũng như các nước châu Âu khác, Italia cần tiếp tục theo đuổi những cải cách mang tính cơ cấu./.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục