IMF sẽ đảm nhiệm vai trò mới phục vụ G-20

Với tham vọng của các nhà lãnh đạo G-20 muốn trở thành Ban Giám đốc của nền kinh tế toàn cầu, G-20 cần IMF để thực hiện vai trò này.

Trong khi Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kaln đang vận động nhằm biến thể chế tài chính quốc tế này thành Ngân hàng Trung ương toàn cầu với số vốn ít nhất 1.000 tỷ USD để cho các nước đang phát triển vay trong trường hợp khủng hoảng, thì về cơ bản IMF đã trở thành một thể chế của G-20.

G-20, nhóm các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển hàng đầu, hiện không có trụ sở, không có nhân viên và quy chế thành viên.

Với tham vọng của các nhà lãnh đạo G-20 muốn trở thành Ban Giám đốc của nền kinh tế toàn cầu, G-20 cần IMF để thực hiện vai trò này.

Vai trò mới này của IMF đã được thảo luận tại Hội nghị cấp cao mới đây của G-20 ở thành phố Pittsburrgh (Mỹ), nhưng tại Hội nghị cấp cao thường niên WB-IMF ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đầu tháng 10, vai trò này của IMF lại được bổ sung đầy đủ hơn và cũng được các nước ngoài G-20 ủng hộ.

Các bộ trưởng tài chính nhiều nước công nghiệp phát triển hàng đầu và Uỷ ban chính sách của IMF cũng khẳng định vai trò mới này của IMF tại Hội nghị WB-IMF.

Các nhà phân tích kinh tế thế giới nhận định những dàn xếp mới về vai trò của IMF nhằm giải quyết những vấn đề đang nổi lên của cả G-20 và IMF.

Thực tế, có nhiều ý kiến trái chiều về vai trò mới của IMF. Một số đại biểu lo ngại IMF "tham vọng" khi gánh vác vai trò này trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế thế giới còn khá yếu ớt và có thể dừng lại do tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng và những căng thẳng nghiêm trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Trong khi đó, ông Carlos Quenan, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu các nước châu Mỹ ở Pháp, cho rằng uy tín của IMF còn chưa vững chắc, vị thế mới sẽ hỗ trợ vai trò của IMF là thể chế cung cấp viện trợ quốc tế duy nhất.

Tuy nhiên, ông Quenan bày tỏ lo ngại về khả năng nâng cao uy tín cho IMF khi chưa có các qui định về cho vay cũng như cách thức chuyển giao quyền bỏ phiếu cho các nền kinh tế mới nổi.

Đối với G-20, sử dụng bộ máy hiện hành của IMF có thể làm dịu sức ép chính trị từ các nước không phải thành viên của nhóm này.

Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Butros Butros Ghali, chủ tịch Ủy ban chính sách IMF cho rằng, 165 thành viên của IMF sẽ ủng hộ bộ máy hiện hành của IMF làm việc cho G-20 thông qua các kênh của thể chế tài chính này.

Các bộ trưởng tài chính G-20 sẽ sớm hoạch định quy chế quy định vai trò của IMF trong G-20 tại Hội nghị của nhóm vào tháng 11 tới tại Scotland (Anh)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục