IMF thông qua viện trợ 7,6 tỷ USD cho Pakistan

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thông qua lần cuối khoản cho vay khẩn cấp trị giá 7,6 tỷ USD cho Pakistan nhằm giúp củng cố hệ thống tài chính của đất nước có vai trò chiến lược ở Nam Á này trong bối cảnh khủng hoảng tín dụng toàn cầu đã làm cho nền kinh tế vốn đã khó khăn của Pakistan ngày càng xuống dốc.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thông qua lần cuối khoản cho vay khẩn cấp trị giá 7,6 tỷ USD cho Pakistan nhằm giúp củng cố hệ thống tài chính của đất nước có vai trò chiến lược ở Nam Á này trong bối cảnh khủng hoảng tín dụng toàn cầu đã làm cho nền kinh tế vốn đã khó khăn của Pakistan ngày càng xuống dốc.
 
Trong một tuyên bố ngày 24/11, Phó Giám đốc điều hành IMF Takatoshi Kato nhấn mạnh rằng kinh tế của Pakistan đang phải chống chọi với những cú sốc lớn như: diễn biến an ninh bất lợi, giá dầu và lương thực nhập khẩu tăng cao và các tác động của sự rối loạn tài chính toàn cầu.
 
Theo quyết định vừa được IMF thông qua, Pakistan sẽ được giải ngân ngay 3,1 tỷ USD trong một kế hoạch kích thích kinh tế kéo dài 23 tháng. Phần còn lại sẽ phải được xem xét giải ngân trong một cuộc họp hàng quý sắp tới.
 
Khoản viện trợ của IMF nhằm hai mục tiêu: một là vực dậy nền kinh tế Pakistan và khôi phục niềm tin bằng cách thắt chặt chính sách vĩ mô; hai là bảo đảm ổn định xã hội và hỗ trợ cho người nghèo ở nước này.
 
Bên cạnh đó, Pakistan với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ thành lập một "mạng lưới an sinh xã hội hoàn thiện và hiệu quả", đồng thời thúc đẩy các chương trình phúc lợi xã hội hiện có.
 
Song song với việc chuẩn chi viện trợ cho Pakistan, IMF yêu cầu Islamabad sớm có biện pháp giảm thâm hụt tài chính, giảm chi tiêu công và kiềm chế thâm hụt tài khoản vãng lai. Ngoài ra, IMF cũng đề nghị nước này thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.
 
Cộng đồng quốc tế lo ngại tình trạng suy sụp kinh tế ở cường quốc hạt nhân Pakistan có thể khiến người dân quay sang ủng hộ mạng lưới khủng bố Al Qaeda và các nhóm Hồi giáo vũ trang cực đoan khác.
 
Trong những tháng gần đây, đồng rupiah của Pakistan đã bị mất giá đáng kể so với đồng USD và thị trường chứng khoán nước này đã sụt giảm nghiêm trọng sau khi các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút tiền vì khủng hoảng tín dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)
 

Tin cùng chuyên mục