IMF thúc đẩy chiến lược mới hỗ trợ các thành viên

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 6/5 đã đưa ra đường lối chiến lược mới nhằm hỗ trợ các nước thành viên trong việc phát triển kinh tế.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 6/5 đã đưa ra đường lối chiến lược mới nhằm hỗ trợ các nước thành viên phát triển kinh tế.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn phát biểu của Phó Tổng Giám đốc IMF Nemat Shafik với nhóm các nhà tài trợ cho biết tổ chức này đang thay đổi phương thức trợ giúp tài chính và đào tạo cho các nước thành viên theo hướng tập trung, hòa nhập hơn cũng như mang lại hiệu quả cao hơn.

Phó Tổng Giám đốc IMF khẳng định mặc dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến cho nhu cầu trợ giúp tài chính của một số nước thành viên tăng lên, nhưng với sự hỗ trợ song phương hào phóng của các nước thành viên khác và các quỹ tín dụng của các nhà tài trợ đa phương, IMF có thể đáp ứng các nhu cầu này thông qua phát triển một đường lối chiến lược mới cố kết hơn để tăng năng lực thực hiện các vấn đề kinh tế vĩ mô.

Phó Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh trước nhu cầu tăng lên về xây dựng năng lực quốc gia trong xử lý các khó khăn kinh tế, cần ưu tiên tăng cường các quan hệ đối tác đầy tham vọng giữa IMF và các nhà tài trợ.

Vì vậy, IMF đã thành lập Viện Phát triển năng lực trên cơ sở sáp nhập các hoạt động trợ giúp kỹ thuật và đào tạo cho các nước thành viên, nhằm tăng hiệu quả của mạng xây dựng năng lực toàn cầu của tổ chức này, đồng thời đảm bảo sự hỗ trợ kỹ thuật luôn đáng tin cậy, hiện đại và sắc bén.

Ông cũng cho biết các quỹ tín dụng của các nhà tài trợ đa phương sẽ giúp các nước tăng cường khả năng phân tích để đánh giá, giám sát và quản lý tốt hơn các nguy cơ tiềm ẩn song hành với nợ công, thúc đẩy các chiến lược tài trợ nhất quán, duy trì sự bền vững nợ về trung hạn, đồng thời tăng cường các thị trường tín dụng trong nước.

IMF đặc biệt quan tâm nhu cầu trợ giúp kỹ thuật của các nước thu nhập thấp trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây. Tổ chức này cho rằng do nguồn viện trợ phát triển giảm và các vùng đệm tài chính để chống sốc bị hạn chế, các nước nghèo không thể chống lại tác động của các cơn sốc kinh tế và tài chính từ bên ngoài một cách có hiệu quả.

Do đó, trợ giúp kỹ thuật của IMF có tầm quan trọng sống còn giúp các nước nghèo giữ vững các cơ sở thu nhập trong nước, chi tiêu công hiệu quả hơn và tăng năng lực quản lý nợ.

Thực tế, nhu cầu trợ giúp tăng năng lực của các nước châu Phi và Trung Đông, dù đã chiếm tới hơn 50% nguồn trợ giúp tài chính của IMF, nay vẫn tiếp tục tăng lên vượt quá khả năng cung cấp của IMF.

Do vậy, chiến lược trợ giúp kỹ thuật của IMF nhằm tăng năng lực của các nước khu vực này sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng phổ quát, trong đó nhấn mạnh tạo việc làm, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng hệ thống bảo vệ xã hội hiện đại, phục hồi bền vững tài chính và chia sẻ tri thức về quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục