IMF "thúc" Nhật Bản sớm cải cách tài chính công

Ngày 9/2, IMF đã cảnh báo các khoản nợ công và thâm hụt ngân sách khổng lồ của Nhật Bản, đồng thời hối thúc Tokyo cải cách tài chính.
Ngày 9/2, Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Naoyuki Shinohara đã cảnh báo các khoản nợ công và thâm hụt ngân sách khổng lồ của Nhật Bản, đồng thời hối thúc Tokyo tiến hành cải cách tài chính.

IMF đưa ra cảnh báo trên chỉ vài tuần sau khi Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's đánh tụt hạng tín dụng của Nhật Bản từ AA xuống AA-, với lý do Tokyo thiếu "chiến lược rõ ràng" trong những nỗ lực làm giảm bớt tỷ lệ nợ công tới 200% GDP, mức cao nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển (OECD).

Phát biểu với các phóng viên bên lề một cuộc hội thảo ở thủ đô Tokyo, ông Shinohara cảnh báo Nhật Bản sẽ phải đối mặt với mối đe dọa trước mắt do các vấn đề tài chính, cho dù phần lớn nợ công của Chính phủ được tài trợ bởi vốn đầu tư trong nước.

Ông Shinohara cho rằng nếu Nhật Bản để tình trạng hiện nay tiếp diễn, nó sẽ dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng trong tương lai. Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải đạt được thỏa thuận cụ thể về các biện pháp phục hồi nền tài chính càng sớm, càng tốt.”

Theo ông, để chuẩn bị cho khả năng nền kinh tế có thể suy giảm sau khi thực hiện các biện pháp thắt chặt tài chính, Chính phủ Nhật Bản cần phải đồng thời “thúc đẩy tăng trưởng thông qua các cuộc cải cách cơ cấu.” Tuy nhiên, ông Shinohara, người đã từng giữ chức Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản, bác bỏ nguy cơ các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo trái phiếu do Chính phủ Nhật Bản phát hành.

Về vấn đề tiền tệ, mặc dù thừa nhận việc đồng yên tăng giá đang ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản, song ông Shinohara cho rằng mức giá hiện nay của đồng yên nằm trong mức phù hợp với các nhân tố cơ bản trung hạn của nền kinh tế Nhật Bản.

Đối với hệ thống ngân hàng của Nhật Bản, ông Shinohara cho rằng có thể họ cần nhiều vốn hơn để đối phó với các thách thức trong quá trình kinh doanh. Ông nói: “Trong bối cảnh các rủi ro hiện hữu và các quy định mới về vốn, các ngân hàng có thể cần phải tăng vốn.

Trong lúc dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đang giảm và chênh lệch lãi suất thấp, điều quan trọng là các ngân hàng phải tìm cách tăng khả năng sinh lời bằng cách đa dạng hóa các nguồn thu nhập”./.

Hà Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục