IMF và G-24 kêu gọi cải tổ khu vực tài chính

Giám đốc điều hành IMF kêu gọi nhanh chóng cải tổ khu vực tài chính nhằm ngăn chặn những cuộc khủng hoảng khác trong tương lai.
Các nhà lãnh đạo kinh tế-tài chính thế giới nhóm họp tại thủ đô Washington, Mỹ từ ngày 22/4 trong bối cảnh quan ngại đang ngày một tăng liên quan tới cuộc khủng hoảng nợ leo thang của Hy Lạp cũng như sự vững chắc của quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Khởi động Hội nghị thượng đỉnh mùa Xuân thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn ngày 22/4 kêu gọi nhanh chóng cải tổ khu vực tài chính nhằm ngăn chặn những cuộc khủng hoảng khác trong tương lai.

Ông cho rằng nền kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn "rất nguy hiểm," vì quá trình phục hồi, dù nhanh hơn dự kiến, vẫn còn rất mong manh. Những vấn đề kinh tế đáng ngại vẫn tồn tại như nợ của các nước quá cao, mức cầu yếu, tỉ lệ thất nghiệp ở các nước phát triển vẫn cao và nguy cơ "bong bóng" giá tài sản ở các nền kinh tế mới nổi.

Ông Strauss-Kahn nêu rõ nhu cầu cấp thiết cải tổ khu vực tài chính cần tập trung vào ba lĩnh vực then chốt, bao gồm các quy chế về vốn và khả năng thanh toán bằng tiền mặt; các công cụ tài chính để xử lý nguy cơ của hệ thống tài chính toàn cầu; khuôn khổ giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia.

Giám đốc IMF cho rằng cần đạt được một hiệp định quốc tế về nỗ lực cải tổ này vào cuối năm nay.

Giám đốc IMF đặc biệt cảnh báo tình hình khủng hoảng nợ của Hy Lạp rất nghiêm trọng và rất đáng lo ngại, trong bối cảnh các thị trường toàn cầu chấn động bởi mối quan ngại khủng hoảng nợ của Hy Lạp - "bóng ma vỡ nợ" đầu tiên xuất hiện tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, có thể đẩy liên minh tiền tệ 11 năm tuổi này vào thế không thể kiểm soát. Vì vậy, ông Strauss-Kahn cho rằng mọi nỗ lực hiện nay nên tập trung vào Hy Lạp.

Cùng ngày 22/4, các bộ trưởng thuộc Nhóm 24 nước đang phát triển (G-24) họp bên lề Hội nghị IMF và WB đã ra tuyên bố chung kêu gọi các nước và các thể chế tài chính nhanh chóng cải tổ khu vực tài chính, vì trì hoãn cải tổ sẽ gây nguy hiểm cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

G-24 cũng kêu gọi các nước phát triển duy trì chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu, không áp dụng các biện pháp bảo hộ và các hạn chế khác trong các lĩnh vực như thương mại, tài chính, đầu tư, dịch vụ lao động...

Các bộ trưởng G-24 nhận định cuộc khủng hoảng tài chính chắc chắn sẽ để lại những tác động lâu dài, khiến nhiều nước đang phát triển phải đối mặt với những khó khăn trong việc vay nợ từ các nước phát triển. Vì vậy, các nước giàu cần thực hiện đầy đủ cam kết ưu tiên trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển.

Trong khi đó, báo cáo của WB chuẩn bị cho Hội nghị mùa Xuân cho thấy khu vực Mỹ Latinh đã vượt qua được khủng hoảng kinh tế toàn cầu và năm 2010 tăng trưởng nhanh và vững chắc hơn dự báo, với tốc độ tăng trưởng toàn khu vực khoảng 4%.

Dự kiến trong bốn ngày tới, tại Washington cũng diễn ra các hội nghị của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) và Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi (G-20).

Các hội nghị sẽ tập trung thảo luận về cách thức ngăn chặn nguy cơ nền kinh tế toàn cầu tiếp tục rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do sự sụt giảm tài chính gây ra. Bên cạnh đó, các đề xuất về thuế ngân hàng nhằm khống chế chi phí các gói hỗ trợ tài chính trong tương lai cũng như các biện pháp tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu cũng nằm trong chương trình nghị sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục