IMF và WB đưa ra dự báo tươi sáng cho kinh tế Ấn Độ

Theo IMF, GDP của Ấn Độ có thể phục hồi lên mức 5,4% trong năm tài chính 2014-2015 và 6,4% trong tài khóa 2015-2016.

Báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ trong tài khóa 2013-2014 (kết thúc ngày 31/3/2014) chỉ đạt 4,4%. Tuy nhiên, IMF nhận định GDP của quốc gia Nam Á này có thể sẽ cải thiện trong những năm tới.

Theo IMF, GDP của Ấn Độ có thể phục hồi lên mức 5,4% trong năm tài chính 2014-2015 và 6,4% trong tài khóa 2015-2016 nhờ tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh hơn, sự cải thiện về sức cạnh tranh xuất khẩu và việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư mới được New Delhi thông qua gần đây. IMF cho rằng đồng rupee hiện phục hồi lên mức 60 rupee/1 USD so với mức thấp kỷ lục 68,85 rupee/1 USD hồi tháng 8/2013 là nhờ sức cạnh tranh xuất khẩu của Ấn Độ được cải thiện.

Tuy nhiên, báo cáo của IMF kêu gọi Ấn Độ đẩy mạnh hơn nữa cải cách kinh tế, thúc đẩy đầu tư, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án hạ tầng bị trì hoãn, cải thiện cơ cấu chính sách trong lĩnh vực điện, khai khoáng, cải cách hệ thống trợ cấp, bảo đảm thông qua chính sách thuế dịch vụ và thuế hàng hóa mới để củng cố tài chính trung hạn.

Trong khi đó, báo cáo “Tiêu điểm kinh tế Nam Á” của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự đoán tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong tài khóa 2013-2014 chỉ đạt 4,8%, song sẽ tăng lên 5,7% trong tài khóa kế tiếp nhờ tỷ giá hối đoái cạnh tranh hơn và nhiều dự án đầu tư lớn được triển khai thực hiện. Theo WB, Ấn Độ hiện đang phải đối mặt với nợ công ty ngày càng tăng trong lĩnh vực ngân hàng và lo ngại vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến tài chính của chính phủ.

Báo cáo của WB dự đoán tăng trưởng GDP bình quân của khu vực Nam Á trong tài khóa 2014-2015 sẽ đạt 5,8% so với 4,8% tài khóa trước đó. Kinh tế khu vực Nam Á, gồm các nước Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka, phần lớn có vẻ đã phục hồi sau bất ổn tài chính năm 2013, do những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) gây ra. Nhiều nước đã tái xây dựng được kho dự trữ ngoại hối, đồng thời giảm được thâm hụt tài khoản vãng lai. Tuy nhiên, tăng trưởng của khu vực này có thể lại suy giảm do những yếu tố bất ổn của lĩnh vực ngân hàng, lạm phát, thâm hụt tài khoản vãng lai, nợ nần, thiếu điện và cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém của toàn khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục