IMF: Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8%

Theo IMF, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm sắp tới của Việt Nam sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng, với mức kỳ vọng đạt 8%.
Giám  đốc Vụ Khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Anoop Singh, nhận định rằng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm sắp tới của Việt Nam sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng, với mức kỳ vọng 8%. Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 23/3 ngay sau Hội nghị chuyên đề về "Tăng trưởng và giảm nghèo hậu khủng hoảng tại các nước đang phát triển" do Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng IMF tổ chức, ông Anoop Singh đánh giá cao những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong việc giảm nghèo và coi đây là thành tựu quan trọng của tăng trưởng bền vững. "Giảm nghèo của Việt Nam trong gần 1 thập niên qua có thể nói cao hơn một số nước khác ở khu vực châu Á. Nhìn về tương lai, hoàn toàn là hợp lý khi nhận định Việt Nam có thể nâng cao hơn nữa đà tăng trưởng. Với đà này, dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8% trong giai đoạn tới," ông Singh nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông John Lipsky - Phó Tổng Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF đưa ra khuyến cáo: Việt Nam nằm trong khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần phải nỗ lực vượt qua, mà một trong số đó chính là thị trường tài chính. "Hiện vẫn còn tồn tại tình trang sự dụng nguồn vốn vay ngắn hạn từ ngân hàng phục vụ cho các dự án đầu tư dài hạn (như đối với các dự án cơ sở hạ tầng). Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, nguồn vốn vay dài hạn đã được chuyển sang cho thị trường vốn. Vì thế, với tư cách là tổ chức tư vấn, IMF sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng thể chế về mặt pháp lý, chế độ kế toán... cũng như hỗ trợ cho 'sự nổi lên' của những định chế tài chính mới hoạt động trong thị trường vốn," ông John Lipsky nói. Trong thời gian tới, IMF sẽ hợp tác cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) trong việc đánh giá khu vực tài chính của Việt Nam những năm tới để từ đó đưa ra những khuyến nghị cụ thể. Mặt khác, ở bình diện quốc tế, ông John Lipsky cũng cho hay các thành viên IMF đã đạt được sự đồng thuận trong việc chuyển tối thiểu 5% quyền biểu quyết sang cho các nền kinh tế năng động nhưng hiện nay chưa có nhiều đại diện trong IMF. Đây được coi là một trong những động thái để các nền kinh tế mới nổi có thêm tiếng nói trong cộng đồng thế giới. Bên cạnh đó, dựa trên cơ sở những đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế thế giới cũng như những dự báo chính sách về trung hạn trong vòng 5 năm tới của nhóm các nước phát triển (G20), IMF sẽ xây dựng một kịch bản nền tạo cơ sở cho sự phát triển hợp tác toàn cầu, trong đó nhấn mạnh đến việc các nước này có thể điều chỉnh chính sách của mình như thế nào vì lợi ích chung của cộng đồng toàn cầu. "Đây là sáng kiến và cũng là thách thức lớn đối với IMF trong vai trò đóng góp vào sự phát triển chung của thế giới," ông John Lipsky khẳng định. Hơn nữa, cũng theo ông John Lipsky, trên cơ sở rút ra những bài học từ cuộc khủng hoảng, IMF sẽ có những điều chỉnh về những trọng điểm và kỹ thuật phân tích sao cho phù hợp hơn, sát hơn với một thế giới hậu khủng hoảng. Ông cho biết thêm: "Về khía cạnh này, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu cải thiện những quỹ tài chính cho phù hợp với việc phòng ngừa khủng hoảng, khi mà thế giới hiện nay đang tràn ngập những nguồn tài chính xuyên biên giới được chứng khoán hóa"./.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận đến những thách thức mà các quốc gia đang phát triển phải đối mặt trong quá trình tăng trưởng.

Về dài hạn, các đại biểu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nâng cao mức sống và đạt được sự chuyển đổi sang vị thế các nước có thu nhập trung bình. Để đạt được mục tiêu này, cơ sở hạ tầng công cộng, đặc biệt là năng lượng, vận tải và vệ sinh phòng bệnh cần phải được cải thiện và tăng đầu tư cần thiết cho lĩnh vực giáo dục, y tế và mạng lưới an sinh xã hội. Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng rất quan trọng.
Khánh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục