Indonesia công bố các chiến lược sống chung với dịch bệnh

Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết chiến lược đầu tiên là nâng tỷ lệ bao phủ vaccine, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi.
Indonesia công bố các chiến lược sống chung với dịch bệnh ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 13/9, Chính phủ Indonesia đã công bố 3 chiến lược trọng tâm hiện nay để sống chung với đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết chiến lược đầu tiên là nâng tỷ lệ bao phủ vaccine, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi.

Theo quan chức được giao điều phối chống dịch COVID-19 tại hai hòn đảo đông dân là Java và Bali này, chiến lược thứ hai là đẩy mạnh xét nghiệm, truy tìm, điều trị (3T), trong đó có việc xử lý tối ưu các địa điểm cách ly tập trung.

Chiến lược thứ ba là tuân thủ nghiêm các quy trình chăm sóc y tế, bao gồm 3M (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách) và thực hiện sàng lọc thông qua ứng dụng khai báo y tế trực tuyến PeduliLindungi.

Những người có trạng thái màu đen trên ứng dụng PeduliLindungi sẽ được đưa đến nơi cách ly tập trung. 

Bộ trưởng Luhut lưu ý rằng nếu tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh vẫn còn thấp, ba chiến lược chính này sẽ được bổ sung bằng các hạn chế xã hội, ví dụ như thực hiện lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 1-4 như hiện nay.

Nhắc lại lời Tổng thống Joko Widodo, Bộ trưởng Luhut, người cũng đang đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát COVID-19 và khôi phục kinh tế quốc gia (KPC PEN), khẳng định rằng các mục tiêu và định hướng chính sách xử lý dịch bệnh của Indonesia là nhất quán, song các chiến lược và cách thức triển khai đã được điều chỉnh để phù hợp với thực tế.

[Indonesia: Nhiều người nhập cảnh dương tính dù có chứng nhận âm tính]

Ông cho biết việc siết chặt hay nới lỏng hoạt động đi lại của người dân sẽ được tiến hành hằng tuần dựa trên các dữ liệu mới nhất, đồng thời khẳng định việc xử lý COVID-19 tại Indonesia “không khác với các chiến dịch quân sự.”

Trong 24 giờ qua, Indonesia đã ghi nhận thêm 4.128 ca mắc và 250 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay lên 4.174.276 ca và 139.415 ca.

Tại Philippines, từ ngày 16/9 tới, vùng thủ đô Manila sẽ không áp dụng các biện pháp hạn chế trên diện rộng vì dịch bệnh COVID-19 nữa, thay vào đó chính phủ sẽ tiến hành thí điểm phong tỏa theo từng khu vực có dịch.

Đây được xem là một trong những nỗ lực của Chính phủ Philippines nhằm vừa chống dịch vừa mở cửa trở lại nền kinh tế. 

Theo giới chức Philippines, việc phong tỏa theo từng khu vực sẽ dựa trên 5 mức cảnh báo quy định những hoạt động kinh doanh nào được phép nối lại, trong đó có tính đến yếu tố tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Nếu thành công, hình thức này có thể được áp dụng trên phạm vi cả nước. 

Sự thay đổi trong chiến lược chống dịch của Chính phủ Philippines có thể sớm cho phép học sinh đến trường ở mức hạn chế, đồng thời mở cửa trở lại các cơ sở giải trí trong không gian kín tại những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm thấp và bệnh viện đủ khả năng ứng phó với tình hình. 

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergerie cho biết từ ngày 16/9 tới, mức cảnh báo sẽ được thay đổi tại vùng đô thị Manila, theo đó cho phép nối lại dịch vụ ăn uống ngoài trời ở mức 30% công suất và trong không gian kín với các nhóm nhỏ là những người đã được tiêm chủng đầy đủ. Các hoạt động tôn giáo và dịch vụ chăm sóc cá nhân sẽ được phép mở lại ở mức 30% công suất của cơ sở tổ chức.

Vùng đô thị Manila là tâm dịch ở Philippines, chiếm khoảng 30% số ca bệnh và 25% số ca tử vong trên cả nước. Đến nay, hơn 50% dân số tại khu vực này đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục