Indonesia đang là điểm đến FDI hấp dẫn ở châu Á

Theo báo cáo, trong quý 2 vừa qua, Indonesia đã thu hút được 56.100 tỷ rupiah (5,89 tỷ USD) vốn FDI, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2011.
Ủy ban Điều phối Đầu tư Indonesia (BMPK) vừa công bố báo cáo quý về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó cho biết Indonesia đang là điểm đến FDI ngày càng hấp dẫn hơn các nền kinh tế khác ở châu Á.

Trong quý 2/2012 Indonesia đã thu hút được 56.100 tỷ rupiah (5,89 tỷ USD) vốn FDI, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó các nhà đầu tư Singapore đứng đầu với 7.200 tỷ rupiah, tiếp theo là các nhà đầu tư Mỹ và Australia với các mức tương ứng 6.700 tỷ rupiah và 5.700 tỷ rupiah. Trong cùng kỳ, FDI chiếm 70% tổng giá trị đầu tư 79.600 tỷ rupiah đã thực hiện trong nước.

Chủ tịch BMPK mới được bổ nhiệm, ông M. Chatib Basri, nói rằng các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy Indonesia là thị trường đầu tư hấp dẫn nhất châu Á về mặt lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh bất ổn ở các nền kinh tế phương Tây đã làm họ chuyển sự chú ý sang các nền kinh tế đang nổi.

Theo ông M. Chatib Basri, kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, còn Ấn Độ đang gặp khó khăn với tình trạng lạm phát tăng cao, còn Việt Nam đang không chắc chắn với tỷ giá hối đoái, nên nền kinh tế Indonesia với triển vọng ổn định là điểm đến đầu tư khả quan nhất khu vực.

Giới phân tích cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô đến Indonesia chủ yếu do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và liên tục trong những năm qua, ở mức trên 6%/năm, và 6,3% trong quý 1/2012, mức cao thứ hai trong G20, sau Trung Quốc.

Chuyên gia hàng đầu Ahmad Erani Yustika của Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính Indonesia (INDEF) nói: "Các chỉ số kinh tế vĩ mô của Indonesia vẫn tích cực, bởi khu vực xuất khẩu chỉ chiếm 28% GDP. Trong khi Trung Quốc và Ấn Độ, phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, đã bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay."

Tuy nhiên, chuyên gia Ahmad Erani Yustika, lưu ý rằng mặc dù Indonesia có thể đạt mục tiêu thu hút 283.500 tỷ rupiah FDI năm 2012 như BMPK đã đặt ra, song việc BMPK dựa quá nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài có thể khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước những cú sốc bên ngoài, bởi theo ông tỷ lệ 60-40 (60% nhà đầu tư nước ngoài và 40% các nhà đầu tư trong nước) sẽ an toàn và tối ưu hơn.

Nhà kinh tế David Sumual thuộc Ngân hàng BCA cho rằng đầu tư vào Indonesia còn nhờ một số chính sách cải thiện môi trường đầu tư của chính phủ nước này, trong đó có những ngày nghỉ lễ được miễn thuế hay giảm thuế, bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay, cũng như việc các hãng đánh giá tín dụng Fitch và Moody's đã nâng mức xếp hạng nợ của Indonesia hồi đầu năm nay.

BMPK cho biết các ngành khai thác mỏ và dược phẩm chiếm ưu thế đầu tư nước ngoài, với các mức thu hút 20.000 tỷ rupiah và 13.300 tỷ rupiah. Điểm đến nhiều nhất cho FDI vẫn là đảo Java, với 50% tổng số nhà đầu tư nước ngoài và 54,9% tổng vốn đầu tư thực hiện trong quý 2 năm nay, tăng từ mức tương ứng 46,9% cùng kỳ năm 2011.

Java là trung tâm sản xuất và kinh doanh công nghiệp, trong khi các đảo khác chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực hàng hóa - lĩnh vực hiện không hấp dẫn lắm về mặt đầu tư do giá hàng hóa đã giảm khá mạnh./.

Việt Tú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục