Indonesia đẩy mạnh đàm phán thương mại với các đối tác quan trọng

Tổng cục trưởng Đàm phán Thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Indonesia, ông Iman Pambagyo, cho biết việc tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư Indonesia phải có mục tiêu rõ ràng để tiết kiệm thời gian.
Indonesia đẩy mạnh đàm phán thương mại với các đối tác quan trọng ảnh 1Tổng cục trưởng Đàm phán Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Indonesia, ông Iman Pambagyo. (Nguồn: iseas)

Theo Phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị một chiến lược đàm phán thương mại đặc biệt để đối mặt với những thách thức từ thương mại quốc tế.

Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào các đối tác có nền kinh tế lớn nhằm thúc đẩy mục tiêu tăng xuất khẩu và thu hút đầu tư.

Phát biểu tại cuộc Hội thảo với chủ đề “Bình thường mới trong thương mại quốc tế” mới đây, Tổng cục trưởng Đàm phán Thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Indonesia, ông Iman Pambagyo, cho biết, việc tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư, nhất là trong bối cảnh hiện nay, Indonesia phải có mục tiêu rõ ràng để tiết kiệm thời gian. Vì vậy, trọng tâm là các nước lớn.

Hơn nữa, trong bối cảnh niềm tin vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hệ thống thương mại đa phương đang giảm dần, nhiều nước hiện đang quan tâm hơn đến hợp tác khu vực và song phương nên Indonesia cần tập trung vào các đối tác quan trọng là một trong những chiến lược để đối mặt với những thách thức toàn cầu khi các quốc gia ngày càng cạnh tranh gay gắt, ngay cả giữa các quốc gia trong một khối thương mại.

[Indonesia hy vọng Hiệp định RCEP được kết ký vào tuần tới]

Mặc dù tập trung vào các quốc gia hoặc khu vực có nền kinh tế quan trọng, Indonesia không tự động loại trừ tiềm năng với các đối tác phi truyền thống. Ngoài ra, việc sử dụng các thỏa thuận hiện có sẽ tiếp tục được cải thiện.

Theo Trưởng phòng Kinh tế của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Yose Rizal Damuri, tất cả các hiệp định thương mại, dù đã được thống nhất hay vẫn đang được thảo luận, không chỉ được sử dụng cho mục đích thương mại, mà phải đáp ứng được nhu cầu tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Hơn nữa phải đáp ứng thương mại dịch vụ và thu hút đầu tư.

Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt trong khu vực, như cuộc cạnh tranh thương mại giữa Trung Quốc-Australia hay Trung Quốc-Ấn Độ, Indonesia có thể áp dụng cách tiếp cận trung tâm của ASEAN đối với thương mại và kết nối. Điều này có thể đạt được bằng cách sử dụng Hiệp định RCEP và Triển vọng ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương để kết nối làm trụ cột./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục