Indonesia đưa ra sáng kiến Năm Quốc tế loài tê giác

"Năm Quốc tế của loài tê giác" nhằm báo động số phận của hai loài tê giác quý hiếm nhất và tình trạng săn bắn tê giác bất hợp pháp.
Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã tuyên bố lấy ngày này làm thời điểm bắt đầu “Năm Quốc tế của loài tê giác.”

"Năm Quốc tế của loài tê giác" nhằm báo động về số phận của hai loài tê giác quý hiếm nhất và tình trạng săn bắn tê giác bất hợp pháp để lấy sừng ngày càng tăng đối với tất cả năm loài tê giác ở Indonesia, và tăng cường cuộc chiến chống săn bắn tê giác và thương mại bất hợp pháp sừng tê giác trên phạm vi toàn thế giới.

Quyết định lấy năm 2012 làm “Năm Quốc tế của loài tê giác” được Tổng thống Yudhoyono đưa ra theo đề nghị của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) và một số tổ chức bảo tồn khác, trước nguy cơ tuyệt chủng của hai loài tê giác Java và Sumatra.

Chính phủ Indonesia cũng đã cam kết thành lập một lực lượng đặc nhiệm cao cấp bao gồm các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như phân bổ đủ nguồn lực để bảo vệ các quần thể tê giác còn lại.

IUCN cho biết, trong thập kỷ qua, hai phân loài tê giác là tê giác tây đen (Diceros longipes bicornis) ở Cameroon và tê giác Đông Dương-Java (Rhinoceros sondaicus annamiticus) tại Việt Nam đã bị tuyệt chủng. Còn hai phân loài tê giác trắng miền Bắc (Ceratotherium simum cottoni) và tê giác Sumatra (Dicerorhinus sumatrensis lasiotus) đang ở mức cực kỳ nguy cấp gần tuyệt chủng trong danh sách đỏ các loài bị đe dọa của IUCN.

Bộ trưởng Lâm nghiệp Indonesia, Zulkifli Hasan cho biết bên cạnh những nỗ lực của mình, Indonesia kêu gọi và khuyến khích tất cả các bên liên quan và các tổ chức trên thế giới tham gia vào nỗ lực bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở Indonesia, như tê giác, hổ, voi và đười ươi.

Nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có IUCN, Công ước CITES, Quỹ bảo vệ động vật hoang dã (WWF), TRAFFIC, Quỹ tê giác quốc tế (IRF), Hiệp hội bảo tồn đời sống hoang dã (WCS) đã ngay lập tức hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của Indonesia, coi đây như một xúc tác để nâng cao sự hỗ trợ chính trị và cam kết bảo vệ loài tê giác trong tự nhiên ở tất cả các nước có liên quan./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục