Indonesia nêu giải pháp khôi phục nền kinh tế ASEAN và Nhật Bản

Đại dịch khiến thế giới nhận thức được rằng khả năng phục hồi kinh tế liên quan mật thiết đến an ninh y tế, do đó việc tăng cường hệ thống an ninh y tế phải là ưu tiên của hợp tác ASEAN và Nhật Bản.
Indonesia nêu giải pháp khôi phục nền kinh tế ASEAN và Nhật Bản ảnh 1Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Ảnh: Getty)

Ngày 12/11, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 23 diễn ra theo hình thức trực tuyến trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đề xuất hai biện pháp giúp phục hồi kinh tế của ASEAN và Nhật Bản trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang hoành hành.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nêu rõ biện pháp thứ nhất mà ASEAN và Nhật Bản có thể thực hiện là cùng nhau đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế. ASEAN có thể trở thành đối tác chính của Nhật Bản trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng như mở rộng đầu tư.

Nhà lãnh đạo này nêu rõ, trong năm 2019, đầu tư của Nhật Bản vào ASEAN đạt 20,3 tỷ USD, lớn thứ hai trong khu vực. Kim ngạch thương mại ASEAN-Nhật Bản đạt 225,9 tỷ USD trong khi du lịch giữa hai bên đạt khoảng 10 triệu lượt người.

[Indonesia kêu gọi ASEAN, Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế]

Trong bối cảnh cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, Tổng thống Indonesia cho rằng để vượt qua khó khăn hiện nay, các quốc gia phải nỗ lực và cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế mà không bỏ qua các quy trình y tế.

Ông Jokowi nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 khiến thế giới nhận thức được rằng khả năng phục hồi kinh tế có liên quan mật thiết đến an ninh y tế. Do đó, việc tăng cường hệ thống an ninh y tế phải là ưu tiên của hợp tác ASEAN và Nhật Bản. Ông tin rằng việc thành lập Trung tâm ASEAN về các trường hợp khẩn cấp và bệnh mới nổi là quan trọng và rất cấp bách và Indonesia sẵn sàng đăng cai trung tâm hoạt động.

Biện pháp thứ hai mà nhà lãnh đạo Indonesia đưa ra là ASEAN và Nhật Bản có thể phối hợp để tăng cường lòng tin chiến lược bằng cách tạo ra một tình hình có lợi trong khu vực, bởi ổn định an ninh là điều kiện tiên quyết cho sự vận động của nền kinh tế.

Theo Tổng thống Joko Widodo, khi suy thoái toàn cầu xảy ra thì các bên cần tăng cường lòng tin chiến lược. Điều này có thể đạt được nếu mỗi bên đưa ra mô hình "đôi bên cùng có lợi" và hợp tác với nhau. ASEAN và Nhật Bản có thể thiết lập hợp tác cụ thể hơn thông qua khuôn khổ Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục