Dung nham cao gần 2km

Indonesia: Núi lửa phun dung nham cao gần 2km

Hàng trăm người dân Indonesia phải sơ tán khi núi lửa Karangetang phun lên trời những cột khí và dung nham cao tới gần 2.000m.
Sáng 8/8, hàng trăm người dân sống quanh khu vực núi lửa Karangetang, thuộc dãy đảo Sulawesi của Indonesia đã phải chạy sơ tán trong hoảng loạn khi ngọn núi này phun lên trời những cột khí và dung nham cao gần 2.000 mét.

Tin ban đầu cho biết đã có ít nhất một người bị thương và bốn người mất tích.

Núi lửa Karangetang hoạt động từ ngày 5/8 và ngay ngày đầu tiên đã hoạt động rất mạnh, phun những cột khí và dung nham cao khoảng 1.900 mét.

Đây là một trong 129 núi lửa đang hoạt động ở Indonesia và trong lần phun trào gần đây nhất, vừa xảy ra trong tháng này, Karangetang đã làm bốn người thiệt mạng.

Indonesia nằm trong khu vực "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, nơi giao nhau của các mảng lục địa nên thường xuyên phải hứng chịu động đất và núi lửa.

Ngày 7/8, tại một ngôi làng ở Cao nguyên Cameron, thuộc bang Pahang, miền Đông Malaysia, đã xảy ra một vụ lở đất làm ít nhất bảy người chết, hai người bị thương nặng và còn nhiều người bị coi là mất tích.

Cảnh sát địa phương cho hay, có sáu ngôi nhà đã bị chôn vùi hoàn toàn trong bùn đất. Hiện hàng trăm người đang tham gia tìm kiếm những nạn nhân bị mất tích.

Trong tháng Năm vừa qua, tại Malaysia cũng xảy ra lở đất tại một trại trẻ mồ côi ở gần thủ đô Kuala Lumpur, làm 16 em nhỏ thiệt mạng, hầu hết là các em trai.

Cũng trong ngày 7/8, nhà chức trách ở thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đã phải đóng cửa cây cầu Yangtze, dài 16,63km, nối khu vực nội đô với một đảo ở ngoài biển khi cơn bão Muifa tràn qua khu vực này.

Trước đó, chính quyền thành phố cũng đã ra lệnh đóng cửa cây cầu Đông Hải, dài 32,5km để đề phòng hậu quả mà cơn bão có thể gây ra, đồng thời, thành phố cũng đã đưa hơn 310.000 người đi sơ tán trước khi bão Muifa tràn về vào ngày 5/8.

Bão Muifa là cơn bão số 9 đổ bộ vào Trung Quốc trong năm nay, sau khi quét qua các tỉnh ven biển miền Đông, gây gió to và sóng lớn. Dự báo, trong ngày 8/8, con bão này sẽ tràn vào tỉnh Sơn Đông nằm sâu trong lục địa nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục