Indonesia sắp khởi động gói cứu trợ 6,15 tỉ USD

Indonesia sẽ khởi động gói kích thích kinh tế trị giá 73,3 nghìn tỉ Rupiah (ương đương 6,15 tỉ USD) từ tháng Ba tới trong nỗ lực đối phó với tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Indonesia sẽ khởi động gói kích thích kinh tế trị giá 73,3 nghìn tỉ Rupiah (ương đương 6,15 tỉ USD) từ tháng Ba tới trong nỗ lực đối phó với tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
 
Bà Sri Mulyani Indrawati, Bộ trưởng Tài chính kiêm Quyền Bộ trưởng Điều phối kinh tế của Indonesia cho biết gói kích thích kinh tế được Hạ viện (DPR) thông qua đêm 24/2, trong đó tăng thêm 2 nghìn tỉ Rupiah (Rp) so với mức 71,3 nghìn tỉ Rp do chính phủ đề xuất. Số tiền tăng thêm này sẽ được sử dụng để tài trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nhằm tạo việc làm cho người lao động.
 
Trong gói kích thích kinh tế trên, Chính phủ Indonesia sẽ chi 12,2 nghìn tỉ Rp cho phát triển cơ sở hạ tầng, 4,8 nghìn tỉ Rp cho trợ cấp trực tiếp và trợ giá năng lượng.
 
Theo ông Suharso Monoarfa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách DPR, trong khoản ngân sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, có 8,2 nghìn tỉ Rp (tương đương 683,3 triệu USD) được chi dùng trực tiếp để tạo ra 2,4 triệu việc làm; nếu bộ, ngành và chính quyền địa phương nào không sử dụng hiệu quả khoản tiền để bảo vệ người lao động thì sẽ bị cắt giảm ngân sách trong năm 2010.
 
Việc tăng tiền cho gói kích thích kinh tế đồng nghĩa với việc thâm hụt ngân sách nhà nước sẽ tăng lên 139,5 nghìn tỉ Rp, tương đương 2,5 % Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mức 51,3 nghìn tỉ Rp (1% GDP) dự kiến trong ngân sách 2009 trước đó.

Để bù đắp thiếu hụt này, DPR đã đồng ý cho chính phủ sử dụng khoản ngân sách dự phòng trong năm 2008 và xúc tiến các kế hoạch vay tiền của các nước tài trợ và các tổ chức tài chính không kèm điều kiện.

Trước đó, Nhật Bản, Ngân hàng phát triển châu Á đã hứa cho Indonesia vay tiền để thực hiện kế hoạch kích thích kinh tế.
 
Bà Mulyani nhận định kinh tế Indonesia có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 4,5% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với dự báo 6,1% đưa ra năm ngoái; xuất khẩu có thể giảm 3%, mức tăng đầu tư cũng có thể giảm từ 7,5% như dự báo xuống còn khoảng 5,9%. Những nhân tố này sẽ làm tăng tỉ lệ người nghèo và người thất nghiệp ở Indonesia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục