Indonesia tiếp tục chính sách đối ngoại nhất quán

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh nước này sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại nhất quán từ trước đến nay trong năm 2014.

Ngày 7/1, trong buổi gặp thường niên đầu năm mới với giới truyền thông trong nước và quốc tế và Đoàn Ngoại giao tại Jakarta, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa đã khẳng định nước này sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại độc lập, xây dựng vì hòa bình, dân chủ, quyền con người và phát triển trong năm 2014.

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, trong bài phát biểu về thông cáo báo chí thường niên của Bộ Ngoại giao Indonesia nhân dịp đầu năm mới, Bộ trưởng Marty Natalegawa nhấn mạnh rằng ngoại giao là một quá trình chứ không phải là sự kiện, nên Indonesia sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại nhất quán từ trước đến nay của mình trong năm 2014, cho dù tại Indonesia sẽ diễn ra sự chuyển giao quyền lực với các cuộc bầu cử lập pháp và tổng thống để lựa chọn những người cầm lái mới đưa đất nước Vạn đảo với những cột mốc quan trọng mới trong quá trình phát triển của mình trong thế kỷ 21 - thế kỷ được coi là của châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Marty Natalegawa nêu bật tầm quan trọng của sự hợp tác và khẳng định chỉ có hợp tác mới có thể giúp đối phó và giải quyết được những thách thức mang tính toàn cầu hiện nay như an ninh lượng thực, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thảm họa thiên tai, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên biên giới trong đó có nạn buôn người và buôn lậu ma túy, cũng như mới đảm bảo duy trì được hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển cho mỗi quốc gia, khu vực và thế giới, trong đó có Indonesia và Đông Nam Á.

Đề cập tới hoạt động đối ngoại trong năm 2013 của Indonesia, Bộ trưởng Marty Natalegawa cho biết mặc dù có những thăng trầm, nhất là trong quan hệ với Australia liên quan đến vụ nghe lén điện thoại, song nhìn chung Indonesia đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đảm bảo được các lợi ích quốc gia, củng cố và nâng cao được vai trò dẫn đầu của mình trong khu vực Đông Nam Á.

Indonesia đã có những ảnh hưởng tích cực trên bình diện toàn cầu, với những thành tựu ngoại giao nổi bật như việc đảm nhận cương vị Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương; tổ chức thành công các Hội nghị thượng đỉnh APEC, Hội nghị Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), các Hội nghị liên quan đến Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Dân chủ Bali, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 9 với bước đột phá đạt được sự nhất trí về "Gói thỏa thuận Bali," mở đường cho sự khai thông vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu vốn đang bị dậm chân tại chỗ kể từ được WTO khởi động năm 2001; tham gia đóng góp vào sứ mệnh giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc; và nỗ lực trung gian hòa giải các tranh chấp, xung đột trong khu vực như ở Myanmar, miền Nam Philippines, miền Nam Thái Lan …

Đặc biệt, Indonesia là động lực thúc đẩy quan trọng trong việc duy trì hòa bình an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực, thông qua nhiều hoạt động với nhiều hình thức khác nhau nhằm làm giảm căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Bộ trưởng Marty Natalegawa nêu bật sự cần thiết của cơ chế thương mại đa phương, sự ủng hộ cho cơ chế này, tôn trọng luật pháp quốc tế trong giải quyết các vấn đề tranh chấp song phương và đa phương, đồng thời giải quyết các tranh chấp này trên cơ sở đối thoại, đàm phán hòa bình, tránh sử dụng vũ lực hay đe dọa.

Ông nhấn mạnh "Biển Đông là một phép thử đối với ASEAN trong việc duy trì sự thống nhất của khối cũng như trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Dù muốn hay không, Biển Đông là một chuẩn mực cho các nước ASEAN," và Indonesia sẽ tiếp tục những nỗ lực của mình để ASEAN, Trung Quốc ngồi lại với nhau tham vấn chính thức, thảo luận và đi đến nhất trí về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đồng thời khẳng định đây chính là một trong những ưu tiên trọng tâm trong chính sách đối ngoại năm 2014 của Indonesia.

Trong năm 2014, Indonesia cũng sẽ tiếp tục theo đuổi ưu tiên dành cho tiến trình kết nối, hội nhập ASEAN với mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 trên ba trụ cột chính bao gồm an ninh-chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, lấy người dân làm trung tâm, đồng thời củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực Đông Á đang định hình vì hòa bình, an ninh, ổn định, dân chủ và thịnh vượng trong khu vực, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi tại khu vực Đông Á và châu Á-Thái Bình dương đang có những dấu hiệu gia tăng bất ổn và căng thẳng.

Chính sách đối ngoại năm 2014 của Indonesia còn hướng tới ASEAN sau năm 2015, theo đó sẽ tập trung vào củng cố Cộng đồng ASEAN, tăng cường sự đóng góp của ASEAN vào duy trì hòa bình và thịnh vượng khu vực, nâng cao vai trò toàn cầu của ASEAN theo tinh thần của Hiệp ước Bali III, xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của ASEAN và của toàn cầu.

Chính sách đối ngoại năm 2014 của Indonesia còn dành ưu tiên cho việc giải quyết ba thách thức chủ chốt của khu vực châu Á-Thái Bình dương theo quan điểm của Indonesia là sự thiếu hụt lòng tin, các tranh chấp lãnh thổ và sự chuyển dịch địa chính trị và địa kinh tế. Ngoài ra, Indonesia sẽ tiếp tục những nỗ lực ủng hộ nhân dân và nhà nước Palestine và giải trừ quân bị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục