Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Hidayat cho biết, trong khuôn khổ hợp tác song phương, Nhật Bản sẽ tài trợ 150 tỷ yên (1,46 tỷ USD) giúp Indonesia đẩy nhanh các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm tới.
Khoản tín dụng nói trên sẽ được thực hiện thông qua Cơ quan Phát triển Hải ngoại Nhật Bản (ODA) và dành cho hàng chục dự án thuộc chương trình hợp tác Khu vực Ưu tiên Đô thị (MPA), bao gồm cả nghiên cứu khả thi, được chính phủ hai nước ký kết năm 2010.
Các dự án hàng đầu trong khuôn khổ MPA là dự án xây dựng cảng Cilamaya ở Karawang, tỉnh Tây Java và hệ thống giao thông công cộng cao tốc (MRT) ở thủ đô Jakarta.
Bộ trưởng Hidayat cho biết, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác giữa hai bên, diễn ra tại Tokyo mới đây, đoàn đại biểu cấp cao Indonesia do Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono dẫn đầu cùng các Bộ trưởng Điều phối Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp của nước này đã có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, tập trung vào vấn đề tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư giữa hai nước.
Ngoài ra, đoàn cũng đã có cuộc gặp bàn tròn với lãnh đạo một số công ty hàng đầu của Nhật Bản, như Mitsubishi, Toshiba, Marubeni IHI và Inpex về kế hoạch mở rộng đầu tư trị giá 3,5-4 tỷ USD của các công ty này tại Indonesia trong những năm tới.
Toshiba dự kiến đầu tư đưa Indonesia trở thành trung tâm sản xuất hàng điện tử của hãng phục vụ cho xuất khẩu, còn Marubani muốn tăng cường đầu tư vào lĩnh vực phát điện trên cơ sở hợp tác với các đối tác Indonesia.
Trong khi đó, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) nhận định rằng Indonesia sẽ trở thành điểm đến đầu tư chính của Nhật Bản trong năm 2014. Số liệu thống kê của Ủy ban Điều phối Đầu tư Quốc gia Indonesia cho biết tổng đầu tư từ các công ty Nhật Bản vào 405 dự án ở Indonesia trong năm 2012 đạt 2,46 tỷ USD và các con số tương ứng trong 9 tháng đầu năm nay là 646 dự án và 3,64 tỷ USD.
Trong một động thái liên quan, hôm 17/12, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) vừa ký một thỏa thuận với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), nâng mức hoán đổi tiền tệ song phương, từ 12 tỷ USD trong thỏa thuận trước đó lên 22,7 tỷ USD.
Thỏa thuận này nhằm mở rộng khả năng ứng phó với các áp lực và cú sốc tiền tệ-tài chính lên nền kinh tế, nhất là nguy cơ thoái vốn ra bên ngoài của các nhà đầu tư nước ngoài do kế hoạch giảm dần gói kích thích kinh tế (QE) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ./.