"Ionah": Cuộc đấu tranh thoát khỏi khuôn khổ của xiếc Việt?

Không rưng rưng, mảy may xúc động, không thổn thức và kịp để suy ngẫm, trái lại, trong một tiếng đồng hồ, người xem hoàn toàn bị cuốn theo những chi tiết, âm thanh, màu sắc sống động của “Ionah.”
"Ionah": Cuộc đấu tranh thoát khỏi khuôn khổ của xiếc Việt? ảnh 1Sân khấu 3D kỳ ảo của 'Ionah.' (Ảnh: BTC)

1. Chính thức ra mắt khán giả tại Tổ hợp Nhà hát và Tổ chức sự kiện Star Galaxy, Hà Nội ngày 30/8 - “Ionah” - chương trình biểu diễn nghệ thuật, giải trí tổng hợp, dẫu chưa vươn tới không gian nghệ thuật đỉnh cao như kỳ vọng, nhưng hiệu ứng giải trí của nó, thực sự khiến người xem mãn nhãn.

So với mong muốn của nhà tổ chức là đem tới cho khán giả trong nước một loại hình giải trí tổng hợp, độc đáo và mới lạ từ nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại, như: múa, kịch, xiếc, hip hop, âm nhạc, nghệ thuật thị giác, kỹ xảo ánh sáng… thì công bằng mà nói “Ionah” không hẳn là chưa từng có ở Việt Nam.

Những năm trước, khán giả trong nước (cả thế giới) đã từng biết đến “Xiếc làng tôi,” “À Ố Show”- hai loại hình tích hợp những loại hình nghệ thuật xiếc mới, nhào lộn, múa đương đại….

Điểm khác biệt, nếu “Xiếc làng tôi,” “À Ố Show” sử dụng tre, nứa là chất liệu chính để biểu diễn, cùng phần nhạc sống đã thực sự gây xúc cảm cho người xem bởi bức tranh quê trữ tình, ấm áp, cùng cuộc sống sinh động của con người Việt Nam thì “Ionah” hoàn toàn “co” phần nội dung, thi triển của diễn viên, đem tới cơ hội trải rộng trí tưởng tượng của người xem, khiến họ choáng ngợp trước sự vận dụng triệt để hình thức sắp đặt lớp lang sân khấu, ánh sáng độc đáo, cùng hiệu ứng 3D, thời trang được thiết kế theo phong cách siêu thực.

Đặc biệt, với các hàng ghế hình vòng cung bao quanh sân khấu bán nguyệt, "Ionah" tạo ra sự tương tác vô cùng chân thực giữa nghệ sỹ và khán giả.

Trong một giờ đồng hồ, khán giả không có lúc nào thật sự thót tim vì những tư thế quá mạo hiểm nhưng “Ionah” lại có nhiều hoạt cảnh thú vị về ý tưởng, khiến khán giả bật cười, hiếu kỳ về diễn biến tiếp theo.

Chẳng hạn, màn đầu tiên về “Vợ chồng tròn méo,” “Vợ chồng đười ươi,” “Những bộ xương biết đùa” (người viết tạm đặt) đem lại tiếng cười và sự ly kỳ cho người xem.

"Ionah": Cuộc đấu tranh thoát khỏi khuôn khổ của xiếc Việt? ảnh 2Màn 'ăn hoa' trong phân đoạn 'hồi sinh.' (Ảnh: BTC)

2. Không rưng rưng, mảy may xúc động, không thổn thức và kịp để suy ngẫm, trái lại, trong một tiếng đồng hồ, người xem hoàn toàn bị cuốn theo những chi tiết, âm thanh, màu sắc sống động của “Ionah.”

Người xem nhiều lần bị choáng ngợp trước hiệu ứng sân khấu 3D độc đáo, những màn uốn dẻo, nhào lộn trên không kỳ tài của diễn viên.

Ở những màn Ionah biến mất vào vũ trụ trong "Cả giận mất khôn," "ăn hoa" trong“Hồi sinh,” đã đánh thức giác quan và xúc cảm người xem, về sự mềm mại, kỳ tài của các nghệ sỹ được tích hợp hiệu ứng màn hình 3D đầy hư ảo, màu nhiệm.

Sự kinh ngạc được đẩy dần lên theo những động tác khó được biên đạo múa thổi hồn vào kỹ thuật xiếc và sự rạng rỡ, đầy sức sống của diễn viên, khiến người xem thực sự xúc động.

Trước mắt họ, xiếc Việt không chỉ là kỹ năng, kỹ xảo của những màn nhào lộn, khổ luyện, đầy mạo hiểm… mà trở thành nghệ thuật, khi được nâng lên tầm trác truyệt và duy mỹ.

Dấu ấn Công Trí với những thiết kế mang phong cách và màu sắc siêu thực một lần nữa kích thích trí tưởng tượng của người xem khi thổi hồn thiện nhiên sống động vào tạo hình cây, hoa lá, những con vật như nhện, dơi, sâu quái vật…

Dù âm thanh của “Ionah” hoàn toàn là âm nhạc điện tử thu sẵn, nhưng không thể phủ nhận vai trò âm nhạc đã kết nối, dẫn dắt và khơi gợi tưởng tượng cũng như cảm xúc của người xem.

Ví dụ, màn "sâu quái vật ăn thịt" đã tạo nên sự ám ảnh, rùng rợn đúng nghĩa. Người xem hoàn toàn được trải nghiệm qua những cung bậc cảm xúc, từ màn nhân vật nữ chính – Ionah lọt vào “cạm bẫy của bầy dơi tinh” dồn dập, kịch tính đến màn “sang sông” kỳ ảo, dìu dặt.

"Ionah": Cuộc đấu tranh thoát khỏi khuôn khổ của xiếc Việt? ảnh 3Màn 'soi thấu chính mình.' (Ảnh: BTC)

3. Có ý kiến cho rằng, “Ionah” chưa hẳn là cuộc cách mạng xiếc Việt, dù có sự cộng hưởng của nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại, dưới bàn tay đạo diễn của những liên tài.

Cặp đôi nhân vật chính trong tạo hình và phục trang chưa đủ “long lanh, tinh khiết” cũng như sự hiện diện, diễn xuất của họ quà “mờ nhạt” chưa đủ làm linh hồn dẫn dắt và kết nối 12 màn của vở diễn.

Theo quan điểm của người viết bài, làm mới hướng đến hiệu ứng giải trí về phần nhìn, thật khó có thể qua một lần, người xem chiêm nghiệm về những triết lý mà “Ionah” mang lại.

Câu chuyện tình yêu của đôi nam nữ xét đến cùng chỉ là cái cớ để mở ra một hành trình đặc biệt hơn luôn tồn tại trong mỗi con người: Hành trình tự đấu tranh và giải thoát chính mình khỏi những xấu xa, suy nghĩ u ám, tăm tối nơi địa ngục tâm hồn.

Với ba mức giá vé được nhà sản xuất đưa ra là 800.000, 600.000 và 500.000 đồng cho những hiệu ứng về giải trí trong một tiếng đồng hồ -“Ionah” đã nâng xiếc Việt tới cánh cửa hướng ra đại chúng, đặc biệt là khách du lịch và lứa tuổi thanh thiếu niên.

Trước khi được công diễn tối 30/8, “Ionah” đã diễn thử để trưng cầu ý kiến khán giả và giới truyền thông.

"Ionah": Cuộc đấu tranh thoát khỏi khuôn khổ của xiếc Việt? ảnh 4Những thiết kế siêu thực của Công Trí, trong màn 'Cuộc săn mồi của bầy dơi.' (Ảnh: BTC)

Nghệ thuật thưởng thức, bao giờ cũng vậy, chẳng thể mãn nhãn tất cả, mỗi người sẽ có những tâm đắc, tưởng thưởng, bất đồng khác nhau.

Đứng về phía thưởng thức, thiết nghĩ, trước mọi nỗ lực làm mới, cộng hưởng liên tài, để tái tạo một món ăn tinh thần khác lạ đến đại chúng khán giả, là điều luôn luôn đáng khích lệ và ủng hộ./.

“Ionah” là tên viết ngược của Hà Nội. Được làm bởi ê kíp, gồm: Tổng đạo diễn: Phạm Hoàng Nam, Giám đốc âm nhạc: Quốc Trung, Biên đạo: Trần Ly Ly, Đạo diễn xiếc: Nghệ sỹ Ưu tú Tống Toàn Thắng, Giám đốc hình ảnh: Fernando Toma, Thiết kế trang phục: Nguyễn Công Trí.

Ngay sau buổi công diễn ra mắt, chương trình nghệ thuật giải trí tổng hợp “Ionah” sẽ được bán vé phục vụ khán giả với tần suất từ 3- 4 buổi diễn/tuần.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục