IP Day 2019:

Tại Hội thảo “Bảo vệ tài sản sáng tạo” mới đây, ban tổ chức tiến hành một khảo sát nhanh với người tham dự, trong đó có rất nhiều bạn trẻ. Với câu hỏi: “Anh/chị chọn website nào khi muốn xem phim?”, ban tổ chức đưa ra năm lựa chọn, trong đó, có trang web vi phạm bản quyền. Đáng tiếc, có tới hơn 80% số người tham gia lựa chọn trang web có chiếu phim lậu.

Điều này góp phần phản ánh thực trạng về việc thực thi Luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hiện nay.

SẢN PHẨM SÁNG TẠO LÀ TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Tại Việt Nam, để cổ vũ cho những đóng góp của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật, nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền sở hữu trí tuệ, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), An Sinh Group và IPCom Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện hưởng ứng IP Day 2019; trong đó có Hội thảo “Bảo vệ tài sản sáng tạo.”

Việc nhận diện quyền của mỗi bên trong quan hệ tài sản trí tuệ này rất quan trọng nhằm mục đích hạn chế thấp nhất các xung đột có thể phát sinh, tạo môi trường sáng tạo lành mạnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa nghệ thuật và phổ biến di sản quốc gia.

Nhấn mạnh vai trò của sở hữu trí tuệ, luật sư Trần Thị Tám – Giám đốc Công ty IPCom Việt Nam khẳng định: “Sở hữu trí tuệ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia và đang dần trở thành mối quan tâm chung của toàn thế giới. Sản phẩm từ những sáng tạo và khai thác các quyền sở hữu trí tuệ từ những sáng tạo đã ảnh hưởng một cách sâu rộng tới đời sống con người.”

Sau 12 năm kiện tụng dài đằng đẵng, cuối cùng hội đồng xét xử đã công nhận ông Lê Linh là tác giả của bộ truyện tranh nổi tiếng “Thần đồng đất Việt.”
Sau 12 năm kiện tụng dài đằng đẵng, cuối cùng hội đồng xét xử đã công nhận ông Lê Linh là tác giả của bộ truyện tranh nổi tiếng “Thần đồng đất Việt.”

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, bà Tám cho rằng, nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nền kinh tế số tác động tới mọi mặt đời sống, xã hội, thay đổi thói quen, hành vi của người tiêu dùng, thay đổi cách thức giải trí, lựa chọn các sản phẩm giải trí. Trong khi đó, sản phẩm giải trí dựa trên nền tảng số chiếm số lượng lớn.

Thách thức của nền kinh tế số đặt ra nhu cầu phải liên tục đổi mới sáng tạo trong cách thức biểu diễn, thể hiện các sản phẩm nghệ thuật, thậm chí sáng tạo ra những loại hình nghệ thuật mới để thu hút công chúng trong nội dung và hình thức thể hiện cả online và offline.

Việc đầu tư sáng tạo nghệ thuật cần sự tham gia của nhiều bên đặc biệt là nhà đầu tư, người sáng tạo, các nghệ sỹ. Việc nhận diện quyền của mỗi bên trong quan hệ tài sản trí tuệ này rất quan trọng nhằm mục đích hạn chế thấp nhất các xung đột có thể phát sinh, tạo môi trường sáng tạo lành mạnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa nghệ thuật và phổ biến di sản quốc gia.

Bàn cụ thể về vấn đề thực thi sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực điện ảnh, ông James Cheatley – Giám đốc thực thi khu vực Đông Nam Á (Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ) chia sẻ: “Thế giới sang tạo của các nhà làm phim không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng mà còn cung cấp cho khán giả những tri thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống. Điện ảnh đưa người xem tới những thế giới mới. Những sản phẩm sáng tạo đó là tài sản trí tuệ của người làm phim, cần được bảo vệ nghiêm ngặt, bảo hộ chặt chẽ.”

Từ đó, có thể thấy, việc thực thi nghiêm túc vấn đề bản quyền, bảo vệ tài sản sáng tạo sẽ mang lại lợi ích cho cả các nhà làm phim (những người sáng tạo) và công chúng: các nhà làm phim có động lực để tạo ra những sản phẩm giá trị, công chúng được thưởng thức những sản phẩm chất lượng.

Đạo diễn Việt Tú. (Ảnh: Vietnam+)
Đạo diễn Việt Tú. (Ảnh: Vietnam+)

“Mới đây, tôi có nghe câu chuyện về một diễn viên phụ ở Hollywood bất ngờ nhận được 10.000 USD chuyển vào tài khoản. Ban đầu, anh ta không hiểu chuyện gì nhưng thực chất nguồn cơn của sự việc ấy là, sản phẩm (bộ phim) mà anh ta tham gia tạo ra những giá trị mới liên tục theo thời gian. Khoản tiền kia là lợi ích mà anh ta nhận được từ giá trị gia tăng ấy (bên cạnh thù lao đóng phim),” đạo diễn Việt Tú chia sẻ.

Từ đó, một lần nữa để thấy, sản phẩm sáng tạo là tài sản có giá trị rất lớn. “Khi chúng ta xem những bộ phim bom tấn của Mỹ hay đến công viên giải trí Disney Land sẽ thấy, các nhân vật trong phim tiếp tục có một đời sống khác, rồi các sản phẩm ăn theo được bán ra. Theo đó, công chúng được thụ hưởng nhiều giá trị, sản phẩm mới và phần lợi ích vật chất chia dành cho các tác giả cũng tăng lên, rất rõ ràng… Nền công nghiệp điện ảnh, giải trí của họ phát triển được như vậy là nhờ việc thực thi nghiêm ngặt vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ,” đạo diễn Việt Tú diễn giải.

IP Day được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao nhận thức về bản quyền. (Ảnh minh họa: TechSignin)
IP Day được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao nhận thức về bản quyền. (Ảnh minh họa: TechSignin)

RÀO CẢN NHẬN THỨC

Thực tế tại các nước phát triển hiện nay là như vậy. Tuy nhiên, câu chuyện ở Việt Nam lại khác. Điều này có thể quan sát thấy từ kết quả cuộc khảo sát nhanh trong khuôn khổ hội thảo “Bảo vệ tài sản sáng tạo.”

Khi cần một phần mềm, người ta sẽ nghĩ ngay đến việc lên mạng tìm kiếm để download bản crack trước khi nghĩ đến việc bỏ tiền ra mua sản phẩm có bản quyền.

Bà Phạm Ngọc Mai Anh (CEO ADT Creative) cho rằng, từ rất lâu, khái niệm dùng phần mềm “chùa” đã trở nên phổ biến trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là với bộ phận giới trẻ.

“Khi cần một phần mềm, người ta sẽ nghĩ ngay đến việc lên mạng tìm kiếm để download bản crack trước khi nghĩ đến việc bỏ tiền ra mua sản phẩm có bản quyền. Hiện nay, làn sóng khởi nghiệp về công nghệ ở Việt Nam khá sôi động nhưng tỷ lệ thành công lại không lớn, một phần vì môi trường để phát triển chưa có,” đại diện ADT Creative bày tỏ.

Có cùng quan điểm trên, họa sỹ Đinh Công Đạt cho rằng, xuất phát từ nhận thức chưa cao về quyền sở hữu trí tuệ, việc sử dụng các sản phẩm “chùa,” sản phẩm nhái, việc sao chép ý tưởng của người khác ở Việt Nam hiện nay trở nên phổ biến. Anh nói: “Người ta mặc nhiên coi đó là chuyện rất bình thường, không hề nghĩ rằng, mình đang dùng đồ ăn cắp – ăn cắp chất xám, trí tuệ, sự sáng tạo của người khác.”

Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2019 được tổ chức tai Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2019 được tổ chức tai Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Họa sỹ Đinh Công Đạt cho biết, bản thân anh cũng là nạn nhân của rất nhiều vụ việc đạo, nhái, sao chép trái phép ý tưởng, sản phẩm. “Tôi cũng đã tốn không ít tiền bạc, thời gian, dày công mời luật sư, thu thập tài liệu, khởi kiện tới tòa án nhưng mọi việc cũng không tới đâu. Thậm chí, có người trong nghề còn nhắn tôi ‘nương nhẹ’ với kẻ ‘ăn cắp’ ý tưởng, tác phẩm của tôi là: ‘Thôi, bỏ qua đi, tay đó nghèo lắm!’,” họa sỹ Đinh Công Đạt kể.

Tiếp nối câu chuyện của vị họa sỹ nổi tiếng “tài” và “dị,” luật sư Phan Cẩm Tú chia sẻ một câu chuyện đáng buồn: “Gần 20 năm trước, khi đồng hành cùng một số nhạc sỹ trong quá trình thành lập Trung tâm Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, chúng tôi nhận được ý kiến phản hồi của không ít nhạc sỹ là: Bài hát ra đời, có người thể hiện để ca khúc đến được với công chúng đã là điều đáng mừng rồi, sao lại còn bày đặt chuyện thu tiền bản quyền?”

Theo luật sư Phan Cẩm Tú, hiện nay, thực tế đã có nhiều thay đổi. Tuy ý thức về vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã được cải thiện nhưng vẫn cần tiếp tục nâng cao, để tiến tới xóa bỏ những rào cản về nhận thức trong xã hội, thúc đẩy sự hiểu biết của cộng đồng trong việc tôn trọng quyền, nghĩa vụ của các bên.

CÁCH NÀO ĐỂ VƯỢT QUA?

Từ việc phân tích thực tế, các luật sư, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và các nghệ sỹ (những người trong cuộc) đã gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ tài sản sáng tạo.

Ông James Cheatley nhấn mạnh, cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bất cứ tác giả nào sở hữu các sản phẩm sáng tạo đều cần có ý thức công bố quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm đó thông qua việc đăng ký bản quyền, bảo hộ sản phẩm.

“Các nghệ sỹ trẻ đã đưa tới cho tôi ấn tượng tốt về triển vọng của thị trường điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, để điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững, trở thành một nền công nghiệp có giá trị lớn, khuyến khích sự sáng tạo của các nghệ sỹ thì vấn đề bản quyền, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề cần quan trọng, cần đặt lên hàng đầu. Luật pháp với những quy định cụ thể, chế tài nghiêm khắc là thành tố quan trọng để bảo vệ bản quyền,” đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ bày tỏ.

Ở phương diện khác, luật sư Quách Minh Trí (Hãng luật Baker & Mckenzie) phân tích: “Quyền sở hữu trí tuệ là vô hình. Bản chất của nó là: một người tuyên bố đây là tác phẩm của tôi và tác phẩm đó được nhà nước công nhận. Nếu người chủ không tuyên bố và nhà nước không công nhận thì sẽ có khả năng xảy ra trường hợp người khác đứng ra tự công bố đó là tác phẩm của anh ta. Như vậy, có thể, kẻ trộm biến thành chủ nhà và chủ nhà lại trở thành kẻ trộm. Những trường hợp như vậy xảy ra khá nhiều ở Việt Nam.”

Luật sư Quách Minh Trí. (Ảnh: Vietnam+)
Luật sư Quách Minh Trí. (Ảnh: Vietnam+)

Từ đó, vị luật sư này đưa ra lời khuyên đối với các tác giả sáng tạo là hãy tự bảo vệ mình trước khi pháp luật bảo vệ. Nói khác đi, bất cứ tác giả nào sở hữu các sản phẩm sáng tạo đều cần có ý thức công bố quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm đó thông qua việc đăng ký bản quyền, bảo hộ sản phẩm. “Đây là căn cứ pháp lý rất quan trọng giúp thân chủ chứng minh các loại quyền của mình đối với tác phẩm nếu xảy ra tranh chấp,” luật sư Quách Minh Trí nhấn mạnh.

Ngoài ra, luật sư Quách Minh Trí cũng cho rằng, Việt Nam cần có thêm nhiều trung tâm, hiệp hội bảo vệ quyền tác giả; nhà nước cần có cơ chế để bảo vệ những tổ chức đó.

“Mô hình này rất phổ biến tại các nước phát triển trên thế giới. Ở Việt Nam hiện nay có Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam. Thực tế phát triển cho thấy, hoạt động của các đơn vị trên cần được đẩy mạnh, cải tiến để đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, chúng ta cần thêm nhiều tổ chức như vậy ở các lĩnh vực khác nhau. Số lượng vi phạm bản quyền trong thời đại công nghệ số rất lớn. Các chủ sở hữu không thể tự giải quyết từng trường hợp, đi tìm từng người vi phạm để truy vấn trách nhiệm, đòi tiền bản quyền. Thay vào đó, các tổ chức nói trên sẽ thay mặt các chủ sở hữu thực thi những công việc nói trên,” ông Quách Minh Trí bày tỏ./.

Để tôn vinh những sáng tạo, tháng 10/1999, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã thông qua tuyên bố lấy ngày 26/4 hàng năm (ngày Công ước thành lập WIPO bắt đầu có hiệu lực – 26/4/1970) làm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day).

IP Day được tổ chức hàng năm nhằm:

– Nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của sáng chế, quyền tác giả, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… tác động đến cuộc sống.

– Tăng cường hiểu biết về vai trò của việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ đối với việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo và đổi mới.

– Tôn vinh hoạt động sáng tạo và những thành quả mà các nhà sáng chế đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu.