IPEF: "Cây đũa thần" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực?

IPEF hứa hẹn sẽ giúp thúc đẩy đáng kể sự hợp tác kinh tế giữa các bên tham gia trong những lĩnh vực năng lượng sạch, chuỗi cung ứng và có lẽ quan trọng nhất là thương mại kỹ thuật số.
IPEF: "Cây đũa thần" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực? ảnh 1Container hàng hóa tại cảng Long Beach, bang California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tác giả bài viết trên báo The Straits Times nhận xét mặc dù thương mại kỹ thuật số đang được mở rộng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song khu vực này vẫn chưa có cơ chế bao trùm để tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng dữ liệu xuyên biên giới và đảm bảo quyền riêng tư.

Tác giả bài viết cho rằng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) có thể giúp lấp vào khoảng trống này và thúc đẩy tăng trưởng khu vực.

Vai trò của IPEF trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực

Theo bài viết, các cuộc đàm phán về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng, viết tắt là IPEF, đã được kích hoạt trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Nhật Bản hôm 23/5 vừa qua.

Có 13 nền kinh tế tham gia đàm phán là Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia và Mỹ.

Khuôn khổ này hứa hẹn sẽ giúp thúc đẩy đáng kể sự hợp tác kinh tế giữa các bên tham gia trong những lĩnh vực năng lượng sạch, chuỗi cung ứng và có lẽ quan trọng nhất là thương mại kỹ thuật số.

IPEF là thỏa thuận thương mại phù hợp được đưa ra vào đúng thời điểm vì một số lý do.

Đầu tiên, thương mại kỹ thuật số ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã bùng nổ trong những năm gần đây.

Lĩnh vực này trong khu vực dự kiến sẽ đạt giá trị tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030 khi lượng dân số trẻ khổng lồ gia tăng sử dụng điện thoại thông minh và Internet.

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã bổ sung thêm 60 triệu người dùng Internet mới, đạt tổng số 440 triệu người.

Tuy nhiên, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chưa có cơ chế thống nhất toàn khu vực để tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng dữ liệu xuyên biên giới hay đảm bảo quyền riêng tư. Điều này đe dọa tăng trưởng kinh tế trong khu vực và cơ hội của người dân.

Đề cập đến thương mại kỹ thuật số trong một buổi nói chuyện gần đây tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu: "Bạn cần một khuôn khổ, cần có sự hiểu biết và cần có các nguyên tắc..."

Tuy nhiên bất chấp rất nhiều nỗ lực địa phương, vẫn chưa có khuôn khổ toàn khu vực nào như vậy.

Mỹ đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017. Hiệp định này đáng lẽ sẽ thiết lập các điều khoản "tiêu chuẩn vàng" để quản lý luồng dữ liệu quốc tế giữa hầu hết các quốc gia Đông Nam Á.

Vào thời điểm hiệp định kế thừa TPP, là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được đưa ra vào năm 2018, một số điều khoản về Internet đã bị thay thế bởi những nhu cầu và sự phát triển mới trong không gian kỹ thuật số.

Singapore đã dẫn đầu một số sáng kiến kỹ thuật số trong những năm gần đây với Hiệp định đối tác kinh tế kỹ thuật số, và đáng chú ý nhất là Hiệp định kinh tế kỹ thuật số Singapore-Australia. Tuy nhiên, bất chấp có những điều khoản tiên tiến, các nỗ lực này vẫn mang tính độc quyền, với lợi ích chỉ giới hạn ở một vài quốc gia.

Mặc dù vậy, người ta vẫn hy vọng rằng IPEF với sự hỗ trợ của Mỹ có thể làm thay đổi điều đó.

Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu: "Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục Mỹ suy tính về một sự hiểu biết tương tự. Đó là một trong những điều mà tôi hy vọng các bạn (người Mỹ) sẽ có thể làm dưới hình thức nào đó trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng."

Tất cả những bằng chứng đều cho thấy đây chính là điều mà chính quyền ông Biden đang nghĩ đến.

IPEF sẽ theo đuổi các quy định tiêu chuẩn cao trong kinh tế kỹ thuật số, trong đó có tiêu chuẩn đối với các luồng dữ liệu xuyên biên giới và bản địa hóa dữ liệu..., đồng thời giải quyết các vấn đề như quyền riêng tư trực tuyến và sử dụng trí tuệ nhân tạo mang tính phân biệt đối xử. Thay vì xử lý thương mại kỹ thuật số như một vấn đề phụ trợ, IPEF đặt vấn đề này lên hàng đầu và trung tâm.

Trong những thập kỷ gần đây, Mỹ đã rút lại vai trò lãnh đạo lịch sử của mình trong thương mại quốc tế. Thỏa thuận thương mại thực sự cuối cùng được Quốc hội Mỹ phê chuẩn ở châu Á là Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn được ký kết vào năm 2007 và có hiệu lực vào năm 2012.

Trong khi đó, theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), số lượng các thỏa thuận thương mại khu vực được ký kết trên thế giới từ năm 2007-2021 đã tăng từ 164 lên 354.

Mỹ, kiến trúc sư của phần lớn hệ thống thương mại dựa trên luật lệ ngày nay, trong những thập kỷ gần đây nhìn chung chỉ quan sát khi những nguyên tắc thương mại hiện đại được tạo ra xung quanh mình.

Việc Mỹ ngừng hoạt động thương mại phần lớn là do những lo ngại chính trị trong nước. Tổng thống Biden hiểu rất rõ điều này.

Đảng Dân chủ thường tránh xa các thỏa thuận thương mại vì lo ngại về môi trường, quyền lao động và kêu gọi đầu tư trong nước lớn hơn. Đảng Cộng hòa dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã theo xu hướng bảo hộ và chủ nghĩa biệt lập hơn.

Khi xây dựng cấu trúc của IPEF, Tổng thống Biden đã tính đến các thực tế chính trị hiện tại, thiết lập theo cấu trúc khuôn khổ hiện tại mà không đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Quốc hội, không giống như một thỏa thuận thương mại truyền thống.

Tuy nhiên, bất chấp những ràng buộc chính trị trong nước, các mục tiêu của chính quyền ông Biden, đặc biệt liên quan đến thương mại kỹ thuật số, đối với IPEF là toàn diện, đổi mới sáng tạo và có tác động một cách đáng kinh ngạc.

IPEF không chỉ được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật số tiêu chuẩn cao, khắt khe được đưa ra trong Hiệp định thương mại kỹ thuật số Mỹ-Nhật và Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada, mà việc 7 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham gia các cuộc đàm phán IPEF cũng cho thấy rõ ràng rằng Các quy tắc về quyền riêng tư xuyên biên giới trong hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (CBPR) sẽ là điểm nổi bật trong các cuộc thảo luận về việc tiêu chuẩn hóa luồng dữ liệu.

Việc quảng bá CBPR tới các nền kinh tế tham gia sẽ thúc đẩy luồng dữ liệu giữa các quốc gia và làm gia tăng tăng trưởng kinh tế, đồng thời thúc đẩy các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư cá nhân mạnh mẽ hơn.

Nhà Trắng trước đây đã công bố Diễn đàn CBPR toàn cầu, theo đó tìm cách toàn cầu hóa hệ thống CBPR và trong đó Singapore là một nhà đồng sáng lập.

Có thể nói, việc đưa ra một tiêu chuẩn nghiêm ngặt trên toàn khu vực để giám sát các luồng dữ liệu và kiểm tra kỹ lưỡng việc tuân thủ của các quốc gia thành viên sẽ không chỉ làm gia tăng thương mại kỹ thuật số, mà còn cho phép điều chỉnh các quy định, thúc đẩy giá trị chung giữa các bên tham gia như tính công khai minh bạch và khả năng tương tác, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho tất cả mọi người.

Thách thức và cơ hội đối với Ấn Độ cùng các quốc gia Đông Nam Á

Theo tạp chí Eurasia Review, một đặc điểm quan trọng khác của IPEF là trong khi mục tiêu chiến lược của sáng kiến này là đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, hầu hết các quốc gia Nam Á đã sẵn có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, hoặc là thông qua FTA giữa ASEAN với Trung Quốc hoặc là thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Điều này đặt ra câu hỏi là làm thế nào để IPEF có thể thành công trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ cầm đầu.

IPEF sẽ tập trung vào các trụ cột, trong đó có kinh tế kết nối, kinh tế thích ứng và kinh tế tự do.

Nền kinh tế kết nối sẽ theo đuổi các tiêu chuẩn cao cho nền kinh tế kỹ thuật số, chẳng hạn như luồng dữ liệu xuyên biên giới và nội địa hóa dữ liệu, tăng cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để gặt hái lợi ích từ thương mại điện tử.

Trong khi đó, nền kinh tế phục hồi đề cập đến việc tìm kiếm cam kết ổn định giá cả cho chuỗi cung ứng giữa các thành viên và nền kinh tế tự do sẽ tìm kiếm cam kết về hệ thống thuế công bằng, các quy định nghiêm ngặt về các thỏa thuận chống rửa tiền và chống hối lộ.

Tuy nhiên, IPEF đã bỏ qua FTA đối với hợp tác kinh tế. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng tiếp cận thị trường được đảm bảo tăng lên. Theo ông James Crabtree thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Singapore, đây có thể là một trở ngại cho lợi ích của các quốc gia Đông Nam Á - những nước đã tham gia vào FTA với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, có những nhận định khác có thể khiến các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dao động khi tham gia sáng kiến kinh tế này. Một trong số đó là việc không có cơ chế giải quyết tranh chấp.

Một nhận định khác là với sự vắng mặt của Trung Quốc và các đồng minh của nước này như Campuchia, Lào và Myanmar cho thấy có thể quỹ đạo ra quyết định sẽ theo các định hướng dựa trên các tính toán địa chính trị và kinh tế toàn cầu của Mỹ.

Tuy nhiên, sự tham gia của số lượng lớn các quốc gia Đông Nam Á cho thấy một tín hiệu tích cực về việc Ấn Độ có thể trở thành thành viên của IPEF, bất kể việc không có FTA hay các lợi ích thiết thực được đảm bảo.

Sáng kiến kinh tế gồm 13 quốc gia thành viên đóng góp thị phần lớn hơn trong thương mại toàn cầu của Ấn Độ. Các nước tham gia IPEF chiếm gần 30% thương mại toàn cầu của Ấn Độ trong giai đoạn 2020-2021, bao gồm 32,8% xuất khẩu và 27,4% nhập khẩu. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, tiếp theo là Singapore, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Có ba lợi ích có thể bắt nguồn từ việc Ấn Độ tham gia IPEF. Đầu tiên, việc Ấn Độ tham gia IPEF sẽ thúc đẩy chính sách Hành động Hướng Đông của nước này. Mục tiêu chính của chính sách Hành động Hướng Đông, được đưa ra vào năm 2014, là thúc đẩy hợp tác kinh tế, quan hệ văn hóa và phát triển quan hệ chiến lược với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, qua đó tạo sự kết nối với khu vực Đông Bắc của Ấn Độ.

Ấn Độ cũng được coi là một thách thức mạnh mẽ đối với quyền lực ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực. Tuy nhiên, tâm lý này đã suy yếu khi Ấn Độ rút khỏi RCEP. Với sự ra mắt của IPEF, Ấn Độ lại nổi lên như một nhân tố đứng đầu để đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.

Thứ hai, Ấn Độ là một cường quốc kỹ thuật số trên thế giới. Theo khảo sát của McKinsey, nước này là nền kinh tế số hóa lớn thứ hai trong số 17 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ấn Độ có hơn nửa tỷ người dùng Internet, đóng góp gần 1,2 tỷ thuê bao điện thoại di động và 14% tổng số lượt cài đặt ứng dụng trên thế giới.

Ấn Độ cũng nổi lên như một hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba trên thế giới. Nước này có hơn 82 Unicorns (một công ty khởi nghiệp được định giá 1 tỷ USD trở lên).

Các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Singapore là những đối tác thương mại lớn của Ấn Độ trong IPEF. Điều này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho thương mại dịch vụ của Ấn Độ trong lĩnh vực số hóa ở các quốc gia này.

Thứ ba, khát vọng của Ấn Độ trở thành trung tâm toàn cầu đối với chuỗi cung ứng sẽ được thúc đẩy với tiêu chuẩn chuỗi cung ứng linh hoạt, như được thể hiện trong IPEF.

Có một sự thay đổi đáng kể trong xu hướng chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch, nhưng chuỗi cung ứng đã hoạt động trở lại với sự chuyển dịch từ các nguồn chi phí thấp sang các nguồn không thích rủi ro.

Tóm lại, IPEF sẽ cho phép Ấn Độ tìm kiếm những cơ hội mới trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà cho đến nay vẫn chưa được khai phá. Khuôn khổ này được kỳ vọng sẽ tạo ra một thách thức đối với RCEP, vốn bị chi phối bởi ảnh hưởng của Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục