iPhone 4S: Ván bài thắng bại

iPhone 4S: Ván bài thắng hay bại của hãng Apple?

Thành công của iPhone 4S sẽ có ý nghĩa vượt khỏi một phiên bản smartphone đơn thuần, bởi nó đánh dấu thời kỳ “hậu Steve Jobs.”
Hôm nay (14/10) là ngày đầu tiên iPhone 4S được chính thức bán ra thị trường. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ có cơ hội được cầm tận tay mẫu smartphone mới nhất của Apple, để tự mình đánh giá những ưu nhược điểm của sản phẩm này.

Qua những phản hồi của người dùng, iPhone 4S sẽ có cơ sở để khẳng định thành công hay thất bại trong tương lai.

Cùng điểm qua những khó khăn và thuận lợi mà mẫu smartphone được mong đợi này phải trải qua:

1. iPhone 4S trở thành “sản phẩm lịch sử” của Apple trong bầu tâm lý thất vọng:

Nhiều bài phân tích của các chuyên gia đã chỉ ra rằng, sự thành công đáng kinh ngạc của các sản phẩm Apple đến từ một nguyên nhân quan trọng, đó là hãng công nghệ của Mỹ luôn biết cách tạo ra sự “thần tượng hóa” đối với các mẫu thiết bị của họ, thông qua những chiến lược PR đầy khôn khéo.

Thế nhưng, iPhone 4S lại là sản phẩm Apple hiếm hoi xuất hiện trong bầu tâm lý thất vọng chung của cộng đồng, khi tất cả đều chờ đợi một phiên bản iPhone cách tân hoàn toàn, chứ không phải là một mẫu nâng cấp từ iPhone đã có.

Khi mất đi sức mạnh làm thỏa mãn tâm lý người tiêu dùng, iPhone 4S sẽ gặp phải nhiều bất lợi trong quá trình tiêu thụ. Nhưng, Apple đã có câu trả lời xứng đáng, ít ra là ở thời điểm hiện nay.

Số liệu thống kê được “Quả táo” công bố hôm 10/10 cho thấy, iPhone 4S đã trở thành sản phẩm có ngày mở màn thành công nhất trong lịch sử bán hàng của hãng, với lượng đặt trước tới hơn 1 triệu chiếc chỉ trong ngày đầu tiên mở cửa đặt hàng.

Trước đó, nhà mạng đối tác AT&T cũng đã hồ hởi “khoe” về lượng đặt trước iPhone 4S tới 200.000 chiếc chỉ trong vòng 12 tiếng đầu tiên, dù tới phiên bản iPhone lần này, nhà mạng số 2 nước Mỹ còn phải cạnh tranh với “lính mới” Sprint, bên cạnh đối thủ Verizon Wireless.

Tại Australia, các nhà mạng đều bày tỏ rằng lượng đặt hàng iPhone 4S đã dồn dập tới không ngờ. Hãng viễn thông khổng lồ Telstra cho biết, với hàng chục nghìn người đăng ký, iPhone 4S đã trở thành mẫu smartphone Apple “hot” nhất từ trước tới nay tại thị trường nước này.

Những thành tích bằng con số đó đã giúp nói lên một điều: iPhone 4S có thể gây thất vọng vì đây không phải là iPhone 5, nhưng điều đó không có nghĩa là iPhone 4S mất đi sức hút trên thị trường!

2. “Trọng trách PR” cho iPhone 4S: Nhiều đối tác cùng gánh vác!

Apple từng có chiến lược lựa chọn một nhà mạng nào đó để làm nhà phân phối độc quyền trên mỗi thị trường như AT&T tại Mỹ, China Unicom ở Trung Quốc hay Softbank tại Nhật Bản. Thế nhưng tới phiên bản iPhone 4, và giờ là iPhone 4S, chiến lược trên đã dần thay đổi.

Thay vì bó hẹp mối quan hệ đối tác với một nhà mạng duy nhất, Apple đã bắt tay với hàng loạt nhà mạng khác để tăng cường thêm nhà phân phối iPhone trên mỗi thị trường, và điều này vừa giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn phong phú, vừa là cách để Apple san sẻ “trọng trách PR” sản phẩm mới cho nhiều đối tác cùng gánh vác.

Khi cuộc chạy đua thực sự giữa các nhà mạng được bắt đầu, hãng nào cũng muốn thu hút được nhiều người mua iPhone về phía mình (để hướng tới mục tiêu gắn bó với dịch vụ sau này), và từ đây, hàng loạt chương trình cạnh tranh quyết liệt được tung ra.

Trên thị trường Mỹ, “lính mới” Sprint đã tung ra gói dịch vụ dữ liệu không giới hạn, để đối đấu với các nhà mạng Verizon Wireless và AT&T vốn không cung cấp gói dịch vụ này. Trong khi đó, tại Nhật Bản, đối tác độc quyền phân phối iPhone một thời là Softbank đã quyết định áp dụng chính sách giá thuê bao tháng hấp dẫn nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trước đối thủ KDDI vừa giành được quyền bán iPhone 4S tại đây.

Sau tất cả những điều đó, Apple là hãng đắc lợi nhất phía sau, khi cung cấp nguồn hàng cho các nhà mạng cùng phân phối, cũng như hưởng “trái ngọt” từ những nỗ lực quảng bá mạnh mẽ của các đối tác viễn thông này. Vậy là, ngay từ lúc mẫu smartphone mới nhất chưa xuất hiện trên thị trường, Apple đã có được những bước chạy đà đầy tích cực trong ván bài mang tên iPhone 4S.

3. Quá sớm để nói tới thành công, nhưng đã đủ để nói về hấp dẫn!

Tới thời điểm này, dù đã trở thành sản phẩm có ngày mở màn thành công nhất trong lịch sử bán hàng của Apple, song vẫn còn quá sớm để nói tới những kết quả tươi sáng trong tương lai của iPhone 4S. Tuy nhiên, với những thông tin cấu hình và dịch vụ được trang bị cho iPhone 4S, có thể thấy sản phẩm này xứng đáng là một mẫu smartphone đầy hấp dẫn trên thị trường.

Khi so sánh với ngay sản phẩm tiền bối đầy thành công là iPhone 4, thì dù không mang thiết kế đột phá song iPhone 4S lại ghi điểm về “nội thất” của máy với vi xử lý A5 (Cortex A9 Dual-Core), khả năng làm việc của iPhone 4S mạnh mẽ gấp đôi so với iPhone 4 được trang bị A4 (Cortex A8 tốc độ 1GHz).

Bên cạnh đó, camera sau 8-megapixel thay vì 5-megapixel như trước cho phép iPhone 4S trở thành một chiếc máy ảnh số đầy chất lượng, với khả năng chụp hình siêu nét và ghi video full HD.

Chưa hết, iPhone 4S còn hứa hẹn ở tốc độ trao đổi dữ liệu nhanh ấn tượng so với iPhone 4, cũng như thống nhất 2 chuẩn mạng GSM và CDMA về cùng một mối.

Trong những ứng dụng và dịch vụ hỗ trợ đi kèm, dịch vụ trợ giúp ra lệnh bằng giọng nói Siri được coi là phần bổ sung thế mạnh mới của iPhone 4S, khi giúp cho thiết bị này thực sự trở thành một “phụ tá” đầy hữu ích, đáp ứng đủ mọi nhu cầu thông tin cho người sử dụng.

Do vậy, sẽ thật không công bằng khi nói rằng iPhone 4S gây thất vọng chỉ bởi vì sản phẩm này không phải là iPhone 5. Với những người bắt đầu muốn sở hữu một mẫu smartphone mới, hay có ý định đổi “dế cưng,” iPhone 4S là sự lựa chọn…khó chê.

Đối với Apple, chắc chắn ván bài thắng hay bại của iPhone 4S sẽ có ý nghĩa vượt ra ngoài phạm vi của một phiên bản smartphone đơn thuần, bởi đây là sản phẩm đầu tiên đánh dấu thời kỳ “hậu Steve Jobs” của “Quả táo.”

Nếu thành công, hãng này sẽ khẳng định được rằng, những con người ở lại vẫn đủ sức chèo lái con thuyền Apple tiến lên phía trước.

Nếu không đạt được những kỳ vọng như đã đề ra, “Quả táo” sẽ phải đối mặt với những chỉ trích nặng nề, rằng “Apple đã không còn là chính họ khi mất đi Steve Jobs”./.

Văn Hưng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục