Iran chịu sức ép ngày càng tăng về vấn đề hạt nhân

"Iran không thể để thế giới chờ đợi mãi" trong những bế tắc liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
"Iran không thể để thế giới chờ đợi mãi" trong những bế tắc liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tại London ngày 27/1 sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Ông Lavrovp bày tỏ sự thất vọng trước việc Iran phản ứng thiếu tính xây dựng đối với đề xuất của các cường quốc. Trong khi đó, phát biểu với các nhà báo sau cuộc gặp người đồng cấp Nga, Ngoại trưởng Mỹ Hillari Clinton còn tuyên bố Iran sẽ phải đối mặt với những hậu quả do việc nước này bất chấp những "nghĩa vụ quốc tế".

Giới quan sát cho rằng những tuyên bố trên của Mátxcơva và Washington là dấu hiệu mới nhất về sự thất vọng ngày càng lớn của cộng đồng quốc tế trước việc Iran không chấp thuận thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân theo đề xuất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhằm phá vỡ những bế tắc liên quan đến chương trình phát triển hạt nhân của Iran và nước này đang đứng trước những sức ép ngày càng lớn của quốc tế trong vấn đề hạt nhân.

Các nguồn tin từ London còn cho biết các cường quốc đang thúc đẩy các cuộc thảo luận tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran.

Theo đề xuất của IAEA, Iran phải chuyển phần lớn urani đã được làm giàu ở cấp độ thấp của họ sang Nga và Pháp để làm giàu ở cấp độ cao hơn, sau đó số urani này sẽ được chuyển trở lại Iran phục vụ lò phản ứng nghiên cứu ở thủ đô Tehran. IAEA ra thời hạn chót 31/12/2009 để Iran chấp nhận đề xuất này.

Song Tehran đã bỏ qua thời hạn trên, đồng thời đưa ra đề xuất mới, theo đó phương Tây bán nhiên liệu hạt nhân cho Iran hoặc đổi nhiên liệu hạt nhân lấy urani làm giàu ở cấp độ thấp của nước này, song việc trao đổi phải được thực hiện thành nhiều đợt.

Washington và các đồng minh phương Tây nghi ngờ Tehran phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc chương trình làm giàu urani. Nhưng Iran khẳng định chương trình hạt nhân của họ đơn thuần nhằm mục đích dân sự.

Ngày 16/1 vừa qua, các đại diện nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp cùng với Đức) đã có cuộc thảo luận tại New York để xem xét những biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, nhưng cuộc họp này đã không đạt được thỏa thuận nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục