Iran được gì từ thỏa thuận chiến lược với Trung Quốc?

Thỏa thuận chiến lược Mỹ-Iran kéo dài 25 năm dự kiến sẽ được hoàn tất trong vài tuần tới thể hiện sự mở rộng mang tính bước ngoặt trong quan hệ song phương giữa hai đối tác chiến lược.
Iran được gì từ thỏa thuận chiến lược với Trung Quốc? ảnh 1Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Nguồn: urdupoint.com)

Một thời kỳ mới đang bắt đầu trong mối quan hệ Trung Quốc và Iran. Tháng Bảy vừa qua, giới chức Iran đã tiết lộ công khai rằng họ đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với Trung Quốc về một thỏa thuận chiến lược kéo dài 25 năm.

Thỏa thuận này, nếu được thực hiện đầy đủ, sẽ mở rộng đáng kể mối quan hệ quân sự, kinh tế và chính trị giữa hai nước.

Trên thực tế, thỏa thuận mới này không phải là điều gì đó quá bất ngờ khi Tehran và Bắc Kinh trong lịch sử đã hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, từ mua bán vũ khí cho đến năng lượng.

Mặc dù vậy, thỏa thuận (dự kiến sẽ được hoàn tất trong vài tuần tới) đã thể hiện sự mở rộng mang tính bước ngoặt trong quan hệ song phương giữa hai đối tác chiến lược.

Đây cũng là diễn biến có ý nghĩa lớn đối với môi trường địa-chính trị khu vực và là mối đe dọa rõ ràng đối với những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập và kiềm chế nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Huyết mạch cho nền kinh tế Iran?

Đối với Iran, quyết định tăng cường quan hệ chiến lược với Trung Quốc phản ánh sự thừa nhận rằng, sau gần hai năm đương đầu với chính sách “gây sức ép tối đa” của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, chế độ Iran cuối cùng đã tỏ ra yếu thế hơn so với vẻ bề ngoài thường thấy.

Tuy nhiên, giới chức Iran vẫn cố gắng thể hiện một diện mạo dũng cảm về năng lực chính trị và kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo. Chẳng hạn, trong tháng Bảy vừa qua, Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri đã khẳng định công khai rằng, bất chấp các lệnh trừng phạt đơn phương của Washington, nền kinh tế Iran đang phục hồi và phát triển.

[Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông]

Các con số thống kê lại nói lên một câu chuyện rất khác tại Iran. Trong năm 2019, doanh thu từ dầu mỏ của quốc gia này đã giảm tới 92%, từ khoảng 100 tỷ USD xuống chỉ còn 8 tỷ USD.

Con số này phản ánh sự “hạ nhiệt” đáng kể của ngành dầu mỏ Iran, do các khách hàng lo ngại về hậu quả tiềm tàng từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Thậm chí, một số quan chức Iran gần đây đã tiết lộ rằng ngày càng nhiều đối tác nước ngoài đang từ chối ký kết các thỏa thuận năng lượng mới với Tehran.

Đầu tư nước ngoài vào Iran cũng đang cạn kiệt dần, khi ngày càng nhiều quốc gia và doanh nghiệp đã chọn cách tránh xa nước Cộng hòa Hồi giáo thay vì mạo hiểm trở thành mục tiêu trừng phạt của Mỹ.

Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Iran đã giảm 26,5% trong năm 2019 và hiện đang ở mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ qua.

Những yếu tố này là tác nhân dẫn tới sự suy sụp của đồng nội tệ quốc gia Iran. Mùa Hè này, đồng rial của Iran - từng được giao dịch ở mức 79 rial đổi 1 USD vào thời điểm diễn ra cuộc Cách mạng 1979 - đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong lịch sử 41 năm của Cộng hòa Hồi giáo (260.000 rial đổi 1 USD).

Mức giảm này nghiêm trọng đến mức Ngân hàng Trung ương Iran đã phải chi gần 1 tỷ USD trong những thời gian qua để ổn định tỷ giá đồng nội tệ. Do đó, chính quyền Iran đã buộc phải sử dụng dự trữ ngoại tệ của mình để duy trì hoạt động.

Ngay cả trước khi xảy ra dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đã ước tính rằng dự trữ ngoại hối của Iran ở mức khoảng hơn 100 tỷ USD trong năm 2019 sẽ giảm xuống còn khoảng 73 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Với tỷ lệ chi ngân sách hiện tại, con số này có thể chỉ còn tổng cộng 20 tỷ USD vào tháng 3/2023.

Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trên quy mô toàn cầu, mức độ cạn kiệt dự trữ ngoại tệ của Tehran càng trở nên nghiêm trọng hơn, vì Iran buộc phải sử dụng nguồn tiền vốn đã không dư dả này để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng y tế quốc gia.

Tình hình nội bộ xấu đi tại Iran đã làm gia tăng bất ổn trong nước. Gốc rễ của những bất đồng chính kiến kéo dài suốt hai năm qua tạm thời bị dập tắt do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đã xuất hiện trở lại tại Iran trong những tuần gần đây.

Các cuộc biểu tình chống chế độ lẻ tẻ ở nhiều thành phố khác nhau về các vấn đề như khủng hoảng tiền tệ quốc gia, chế độ quản lý sai lầm trong đại dịch và tình trạng thất nghiệp gia tăng đã khiến các nhà lãnh đạo Iran đối mặt thêm thách thức đối với sự ổn định của chế độ.

Thực tế khắc nghiệt này dường như đã buộc giới lãnh đạo Iran phải suy nghĩ lại về chiến lược của nước Cộng hòa Hồi giáo. Các nhà lãnh đạo của Iran ban đầu đã theo đuổi một chính sách “kiên nhẫn chiến lược” để đương đầu với áp lực của Mỹ, với hy vọng đơn giản là chờ đợi thời cơ cho đến khi xuất hiện một chính quyền Washington mới thân thiện hơn và một lần nữa có thể thỏa hiệp với các nhà lãnh đạo Iran.

Tuy nhiên, trong điều kiện trong nước ngày càng bất lợi, các nhà lãnh đạo của Iran dường như đã kết luận rằng tình hình hiện nay là không thể giải quyết được và đã đến lúc cực kỳ cấp bách.

Sự dịch chuyển của Iran về quỹ đạo Trung Quốc phản ánh một sự thật rằng họ cần sự hỗ trợ từ bên ngoài để duy trì chế độ và cải thiện vị thế quốc tế của mình, ngay cả khi viện trợ của Bắc Kinh sẽ đi kèm với nguy cơ xói mòn đáng kể chủ quyền quốc gia Iran.

Với kế hoạch đầu tư gần 400 tỷ USD vào Iran trong 25 năm tới, số tiền được coi là rất lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, Trung Quốc sẽ có quyền tiếp cận nguồn dầu mỏ khổng lồ của Iran với mức chiết khấu cao, đồng thời Bắc Kinh có thể tăng cường ảnh hưởng và sự hiện diện ở hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế Iran, từ viễn thông, năng lượng, cảng biển, đường sắt cho đến khu vực ngân hàng.

Vậy đổi lại, Trung Quốc sẽ hỗ trợ chế độ Iran như thế nào? Cho đến nay, các điều khoản “bí mật” nhất vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, có ít nhất hai kết quả chiến lược rộng lớn có khả năng nổi lên từ thỏa thuận Trung Quốc-Iran mới.

Thứ nhất là ảnh hưởng vị thế khu vực của Iran. Trong hai năm qua, các lệnh trừng phạt tăng cường của Mỹ đã bắt đầu tác động đáng kể đến vị thế chiến lược của Cộng hòa Hồi giáo Iran, cũng như khả năng định hình các sự kiện trong khu vực.

Giảm dần sự hỗ trợ tài chính của Tehran dành cho phong trào Hezbollah của Liban và việc nới lỏng sự kiểm soát đối với lực lượng dân quân Shi’ite tại Iraq chỉ là một số trong những mục tiêu được gắn trong chiến lược của Chính quyền Tổng thống Trump nhằm gây áp lực kinh tế và chính trị tối đa đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran. Tuy nhiên, sự giang tay giúp đỡ của Trung Quốc sẽ làm thay đổi tình hình đó.

Nguồn vốn từ Bắc Kinh chắc chắn đi kèm với hoạt động thương mại lớn hơn của Trung Quốc tại Iran, một mặt không chỉ giúp Iran ổn định nền kinh tế quốc gia, mặt khác cũng cho phép Tehran tài trợ bền vững cho một loạt các hoạt động trên toàn khu vực, từ hỗ trợ cho chế độ Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, cho đến tham gia vào cuộc nội chiến kéo dài tại Yemen. 

Viện trợ của Trung Quốc cũng có thể được kỳ vọng sẽ giúp củng cố quyền lực của chính quyền Iran. Hơn một thập kỷ trước, các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Chính phủ Iran tái khẳng định quyền kiểm soát trong nước sau sự kiện “Phong trào Xanh” hồi năm 2009. Hoạt động hỗ trợ này thực tế vẫn tồn tại, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Dấu ấn công nghệ rộng lớn hơn gắn với Trung Quốc tại Cộng hòa Hồi giáo Iran một khi trở thành một phần của thỏa thuận mới sẽ cho phép giới cầm quyền Iran tiếp cận nhiều hơn các công nghệ và phương pháp giám sát mà Trung Quốc đã sử dụng thành công để kiểm soát dân số của chính họ.

Thách thức đối với Washington

Thỏa thuận hợp tác Trung Quốc-Iran mới nhất nổi lên trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang gia tăng nhanh chóng. Trong khi Chính quyền của ông Trump từ lâu đã khẳng định sự cần thiết phải cạnh tranh quyền lực lớn với Trung Quốc, kế sách tập trung vào đối đầu với Trung Quốc trên phương diện kinh tế, chiến lược và địa chính trị đã nổi lên mạnh mẽ kể từ đầu năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát.

Bắc Kinh cũng vậy, dường như đang xoay quanh một cuộc đối đầu trực tiếp hơn với Mỹ. Trong hai năm qua, lượng dầu mà Trung Quốc nhập khẩu từ Iran đã giảm đáng kể trước sức ép gia tăng của Mỹ đối với Tehran. Tính riêng năm ngoái, các giao dịch mua dầu thô của Iran đã giảm gần 53%, cho thấy ý định của Trung Quốc là tìm cách tránh các xung đột trực tiếp với Mỹ liên quan tới vấn đề Iran.

Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện đã thay đổi và sẵn sàng đương đầu với với chiến lược được coi là quan trọng nhất trong chính sách Trung Đông của Mỹ: Chiến dịch gây sức ép tối đa của Chính quyền Tổng thống Trump đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Bằng cách đó, Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng trực tiếp cản trở chính sách của Mỹ và làm suy yếu các mục tiêu chiến lược quan trọng của Washington, cả ở Trung Đông và xa hơn nữa.

Do đó, thỏa thuận Trung Quốc-Iran mới một khi được ký kết sẽ phơi bày thách thức rõ ràng đối với lợi ích và uy tín của Mỹ tại Trung Đông. Khi không còn bị xáo trộn, sự gắn kết và ràng buộc về kinh tế và chiến lược mở rộng giữa Bắc Kinh và Tehran sẽ giúp ổn định lại chế độ đang suy yếu của Iran.

Quan hệ củng cố giữa Tehran và Bắc Kinh cũng sẽ làm chệch hướng các nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập và làm suy yếu giới tinh hoa giáo sĩ của đất nước, cũng như kiềm chế chủ nghĩa phiêu lưu khu vực của Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Tất cả những điều này cho thấy thỏa thuận chiến lược mới giữa Iran và Trung Quốc thực sự sẽ trở thành thử thách quan trọng không chỉ đối với chính sách Trung Quốc của Washington mà còn cả về các giới hạn trong cách tiếp cận gây sức ép tối đa của Chính quyền Tổng thống Trump đối với Iran./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục