Iran hoài nghi sáng kiến của châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân

Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei đã khuyến cáo Chính phủ Iran không nên quá kỳ vọng vào các quốc gia châu Âu sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA ký kết năm 2015.
Iran hoài nghi sáng kiến của châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân ảnh 1Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei. (Nguồn: aljazeera.com)

Một đoạn video mới công bố ngày 4/3 cho thấy nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei đã khuyến cáo Chính phủ Iran không nên quá kỳ vọng vào các quốc gia châu Âu sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) ký kết năm 2015.

Kênh truyền hình PressTV công bố đoạn video ghi lại một cuộc gặp riêng giữa ông Khamenei và nội các của Tổng thống Iran Hassan Rouhani hồi tháng 7/2018.

Trong cuộc gặp, ông Khamenei kêu gọi chính quyền Tehran không nên tin tưởng những cam kết về các sáng kiến mà các đối tác châu Âu đưa ra để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.

Phát biểu với các thành viên nội các Iran, nhà lãnh đạo tối cao Khamenei cho rằng Iran từng ràng buộc tất cả các vấn đề kinh tế của đất nước với JCPOA nhưng thỏa thuận này đã không giải quyết được các vấn đề kinh tế của Iran hay giúp ích một cách đáng kể.

[Iran bác bỏ chỉ trích của Liên minh châu Âu về chương trình tên lửa]

Ông khuyến nghị Chính phủ Iran tránh gắn đời sống của người dân với những cam kết của châu Âu về việc bảo toàn những lợi ích của Iran theo thỏa thuận.

Ông Khamenei nêu rõ: "Chúng ta có nhiều việc để làm trong nước và chúng ta có những tiềm năng cần được hiện thực hóa. Hãy theo đuổi những tiềm năng này, đừng trói buộc sự gia tăng kinh tế với những thứ không thuộc kiểm soát của chúng ta."

Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức), theo đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran.

Sau động thái này của Washignton, các quốc gia châu Âu cam kết tìm cách cứu vãn thỏa thuận này. Hôm 31/1 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nước này.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã hoan nghênh động thái của các nước châu Âu thiết lập một kênh thanh toán để giúp duy trì thương mại với Iran.

Tuy nhiên, đoạn video mới công bố cho thấy nhà lãnh đạo tối cao của Iran Khamenei đánh giá cơ chế trên không phải là "liều thuốc bách bệnh" đối với khó khăn kinh tế của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục