Iran lo ngại Saudi Arabia có thể đe dọa các dự án xuất khẩu khí đốt

Iran lo ngại về khả năng Saudi Arabia sẽ lợi dụng ảnh hưởng trong khu vực để gây ảnh hưởng đến các dự án xuất khẩu dầu mỏ của Tehran sang châu Âu khi các lệnh cấm vận đối với Iran được dỡ bỏ.
Iran lo ngại Saudi Arabia có thể đe dọa các dự án xuất khẩu khí đốt ảnh 1(Nguồn: azernews.az)

Sau những căng thẳng ngoại giao bùng phát trong những ngày qua giữa Saudi Arabia và Iran liên quan đến vụ hành quyết Giáo sỹ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr, truyền thông Iran đang đặt ra nhiều lo ngại về khả năng Riyadh sẽ lợi dụng ảnh hưởng trong khu vực để gây ảnh hưởng đến các dự án xuất khẩu dầu mỏ của Tehran sang châu Âu khi các lệnh cấm vận đối với Iran được dỡ bỏ.

Vấn đề được đặt ra là việc Djibouti dưới sức ép của Saudi Arabia sẽ tăng phí dịch vụ đối với các tàu thương mại của Iran qua eo biển chiến lược Bab-el-Mandeb, nằm trên tuyến đường biển quan trọng từ biển Arập qua Địa Trung Hải để sang châu Âu.

 ​

Nếu khả năng này trở thành hiện thực, nó sẽ tác động đáng kể đến các hợp đồng dầu mỏ mà Iran đã lên kế hoạch bán ra thị trường thế giới trong giai đoạn sau khi các lệnh cấm vận liên quan chương trình hạt nhân của nước này được dỡ bỏ.

Theo dự đoán của các quan chức Iran, sản lượng khai thác dầu mỏ của nước này sẽ tăng lên ít nhất 500.000 thùng/ngày sau khi các lệnh cấm nói trên được dỡ bỏ.

Mặc dù Mỹ và phương Tây đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Iran, song thời hạn cho việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này cho đến nay vẫn chưa được các bên đặt ra cụ thể. Trong khi đó, Iran hy vọng các lệnh trừng phạt sẽ chấm dứt vào khoảng cuối tháng 1/2016.

Các nhà phân tích cho rằng Iran dự tính sẽ xuất khẩu ít nhất 40% sản lượng khai thác trong thời kỳ hậu cấm vận, tương đương khoảng 200.000-220.000 thùng mỗi ngày, sang thị trường châu Âu. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể bị tổn hại nếu Djibouti tăng phí thông quan đối với các tàu chở dầu của Iran qua eo biển nói trên.

Truyền thông Iran ngày 5/1 cũng cho biết Djibouti đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran nhằm ủng hộ Saudi Arabia sau sự kiện người Hồi giáo Shi'ite tại Iran đến bao vây và đốt phá đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran. Tuy nhiên, động thái này vẫn chưa được chính thức xác nhận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục