Iran mời Ấn Độ khai thác dầu mỏ bằng cơ chế mới

Theo cơ chế mới mà Iran đưa ra, công ty Ấn Độ được phép thăm dò, sản xuất và tự do vận chuyển dầu mỏ tới bất cứ nơi nào họ muốn.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Iran ba ngày để tham dự hội nghị Ủy ban chung Ấn Độ-Iran tại Tehran, ngày 4/5, Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid đã thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà Ali Akbar Salehi các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước trên mọi lĩnh vực.

Tin trực tuyến của báo The Times of India cho biết do nền kinh tế bị tê liệt trước các biện pháp cấm vận của Mỹ và châu Âu, Iran đã đưa ra một cơ chế chia sẻ sản phẩm mới về khai thác dầu mỏ nhằm “giữ chân” Ấn Độ - nước nhập dầu mỏ lớn thứ ba của Iran.

Theo cơ chế phân chia sản phẩm mới này, công ty Ấn Độ được phép thăm dò, sản xuất và tự do vận chuyển sản phẩm tới bất cứ nơi nào họ muốn.

Các công ty nhà nước của Ấn Độ, do ONGC dẫn đầu, đang thăm dò khí tại lô Farsi của Iran theo hợp đồng dịch vụ, nếu chuyển sang cơ chế chia sẻ sản phẩm mới thì New Delhi có thể được nhận gần 13.000 tỷ feet khối khí.

Ấn Độ đã nhập khoảng 13,3 triệu tấn dầu thô của Iran trong năm tài chính 2012-2013, giảm 18,1 triệu tấn so với tài khóa trước bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Tehran khiến Ấn Độ khó nhập khẩu dầu mỏ từ quốc gia vùng Vịnh này.

Hiện New Delhi đang thanh toán tiền nhập khẩu dầu cho Tehran bằng đồng rupee tại một ngân hàng ở Ấn Độ sau khi Mỹ và châu Âu phong tỏa các kênh thanh toán của Iran bằng đồng USD và euro.

Cũng tại cuộc họp trên, Ngoại trưởng Khurshid thông báo trên nguyên tắc Chính phủ Ấn Độ đã đồng ý tham gia dự án nâng cấp hải cảng chiến lược quan trọng Chahbahar của Iran.

Thứ trưởng bộ Hàng hải Ấn Độ sẽ tới Tehran để tiến hành các cuộc thương lượng về chi phí và các khía cạnh liên quan khác.

Phía Iran nhấn mạnh rằng dự án này quan trọng không chỉ đối với Iran và Afghanistan, mà toàn bộ khu vực Trung Á. Hai bên đã nhất trí tiến tới một thỏa thuận quá cảnh ba bên gồm Ấn Độ-Iran-Afghanistan, đồng thời thảo luận cách thức tăng cường các mối quan hệ thương mại và tiếp xúc giữa con người và con người, theo đó cần tự do hóa cơ chế thị thực./.


Minh Lý (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục