Iran phản đối sử dụng vũ khí hóa học dưới bất cứ hình thức nào

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh nước này phản đối việc sử dụng vũ khí hóa học dưới bất cứ hình thức nào của bất kỳ nhóm nào.
Iran phản đối sử dụng vũ khí hóa học dưới bất cứ hình thức nào ảnh 1Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 2/7, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh nước Cộng hòa Hồi giáo Iran phản đối việc sử dụng vũ khí hóa học dưới bất cứ hình thức nào của bất kỳ nhóm nào.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong cuộc gặp với Tổng Giám đốc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) Ahmet Uzumcu ở thủ đô Tehran, ông Zarif nói rằng bản thân Iran cũng từng là nạn nhân của vũ khí hóa học do nhà độc tài Saddam Hussein ra lệnh sử dụng trong chiến tranh Iran-Iraq những năm thập kỷ 80.

Ngoại trưởng Zarif khẳng định: "Cộng hòa Hồi giáo Iran luôn nhấn mạnh rằng không một nhóm nào có quyền sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc xung đột vũ trang. Tuy nhiên, nhóm khủng bố 'Nhà nước Hồi giáo' (IS) tự xưng đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến chống Chính phủ Syria."

Ông Zarif cho biết Iran sẵn sàng hợp tác với OPCW trong điều tra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 4/4/2017 tại thị trấn Khan Shaykhun của tỉnh Idlib, thuộc khu vực Tây Bắc Syria, khiến hàng chục người thiệt mạng.

Mỹ và các đồng minh đã nhanh chóng cáo buộc các lực lượng của Chính phủ Syria tiến hành vụ tấn công này. Tuy nhiên, quân đội Chính phủ Syria khẳng định họ chưa bao giờ sử dụng vũ khí hóa học ở bất cứ thời điểm, địa điểm nào và sẽ không bao giờ sử dụng loại vũ khí này trong tương lai.

[Chính phủ Syria bác bỏ báo cáo của OPCW về tấn công hóa học]

Tổng giám đốc OPCW, ông Ahmet Uzumcu nêu rõ OPCW và Iran có lịch sử hợp tác lâu dài, đồng thời đánh giá cao việc Tehran sẵn sàng hỗ trợ tổ chức này điều tra vụ tấn công hóa học ở Syria hồi tháng 4/2017.

Ông Uzumcu cũng đề cập đến vụ tấn công hóa học chết người do chính quyền Saddam Hussein thực hiện nhằm vào thành phố Sardasht của Iran cách đây 30 năm và nói rằng OPCW đã ra tuyên bố nhắc lại sự kiện này mỗi năm.

Sardasht là thành phố bị phơi nhiễm hóa học thứ ba trên thế giới, sau hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Sardasht cũng là thành phố đầu tiên trên thế giới bị tấn công bằng khí độc. Số người thiệt mạng thực tế cao hơn nhiều so với số liệu được thông báo.

Gần 5.000 người trong tổng số 20.000 dân của thành phố Sardasht thời điểm bị tấn công bị mắc các bệnh nghiêm trọng về hô hấp và da./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục