Iran: Phương Tây sẽ dỡ bỏ trừng phạt trong vòng 2 đến 3 tháng

Với việc thực thi Kế hoạch hành động toàn diện chung đạt được với các cường quốc thế giới hôm 14/7, các biện pháp trừng phạt đối với Iran sẽ được dỡ bỏ trong vòng từ 2-3 tháng.
Iran: Phương Tây sẽ dỡ bỏ trừng phạt trong vòng 2 đến 3 tháng ảnh 1Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hãng thông tấn FNA của Iran ngày 27/8 dẫn lời Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif cho biết với việc thực thi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) đạt được với các cường quốc thế giới hôm 14/7, các biện pháp trừng phạt đối với Iran sẽ được dỡ bỏ trong vòng từ 2-3 tháng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Zarif đã mô tả JCPOA là một cơ hội chính trị, kinh tế và xã hội đối với Iran. Tuy nhiên, sẽ phải mất một thời gian để đánh giá tác động của việc dỡ bỏ trừng phạt đối với nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Theo các điều khoản của JCPOA, Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân của mình để đổi lấy việc được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế-tài chính và những chế tài khác.

Trong một động thái khác, cùng ngày, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Iran nói chung đang tuân thủ các thỏa thuận nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này. Đây là thông tin cập nhật đầu tiên của IAEA kể từ sau khi Iran và các cường quốc ký thỏa thuận hạt nhân hôm 14/7.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng bày tỏ quan ngại về một cơ sở quân sự của Iran, nơi các hoạt động liên quan đến vũ khí hạt nhân có thể đã diễn ra hơn 10 năm trước.

IAEA khẳng định mức độ làm giàu urani, hoạt động nghiên cứu và phát triển hạt nhân cùng các hoạt động khác của Iran hiện nay phù hợp với những tuyên bố mà nước này đưa ra.

Bản báo cáo dài 21 trang của IAEA đề cập đến chương trình hạt nhân Iran trong khoảng thời gian chuẩn bị đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử hôm 14/7, và những bước đi đầu tiên của Tehran hướng đến việc thực thi thỏa thuận này.

Cơ quan này cho biết hôm 15/8 đã nhận được thông tin phản hồi từ Iran liên quan đến những cáo buộc về chương trình vũ khí hạt nhân trước đây của nước này. Tuy nhiên, Tehran lại thể hiện sự dè dặt đối với cơ sở quân sự Parchin mà các cơ quan tình báo Phương Tây nghi được Tehran sử dụng để thử nghiệm các vụ nổ cũng như các thử nghiệm khác liên quan đến phát triển vũ khí hạt nhân.

IAEA cho biết thông qua các hình ảnh vệ tinh, cơ quan này gần đây đã quan sát thấy sự xuất hiện của các loại xe, trang thiết bị và có thể là cả vật liệu xây dựng tại Parchin, khiến IAEA khó có thể triển khai hiệu quả công tác kiểm chứng.

Báo cáo ngày 27/8 của IAEA còn lưu ý dường như Iran đã mở rộng một phần cơ sở này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục