Iran sẵn sàng đàm phán về đổi nhiên liệu hạt nhân

Tổng thống Mahmud Ahmadinejad tuyên bố Iran sẵn sàng nối lại cuộc đàm phán về điều kiện đổi urani nghèo lấy nhiên liệu hạt nhân.
Phát biểu trước báo giới tại New York, Mỹ bên lề Hội nghị kiểm điểm thực hiện Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT) ngày 5/5, Tổng thống Iran Mahmud Ahmadinejad tuyên bố nước này sẵn sàng nối lại cuộc đàm phán về điều kiện đổi urani nghèo lấy nhiên liệu hạt nhân.

Nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Hồi giáo này khẳng định Tehran sẵn sàng đổi urani làm giàu cấp độ 3,5% để lấy nhiên liệu hạt nhân được làm giàu cấp độ 20% và đàm phán để thảo luận về những điều kiện cụ thể.

Ngoài ra, Tổng thống Ahmadinejad còn tuyên bố Iran không có ý định rút khỏi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng như NPT.

Liên quan vấn đề này, cùng ngày 5/5, Brazil đã phủ nhận sự khẳng định từ phía Iran rằng Brasilia đã đề nghị một kế hoạch thay thế cho chương trình trao đổi urani có thể chấp nhận được đối với Tehran nhằm tháo gỡ bế tắc trong vấn đề hạt nhân của nước này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Brazil cho biết trong chuyến thăm Tehran hồi tháng trước của Ngoại trưởng Brazil, nước này không đề xuất một chương trình chính thức nào như lời Tổng thống Ahmadinejad nói, song khẳng định Brasilia sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan.

Trong khi đó, theo hãng thông tấn chính thức Iran IRNA, Brazil đã để ngỏ khả năng xem xét nếu nhận được một đề xuất như trên.

Phản ứng trên của Brazil được đưa ra sau khi Văn phòng Tổng thống Iran cho hay "trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Venezuela, ông Ahmadinejad đã nhất trí trên nguyên tắc để Brazil làm trung gian trong thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân."

Thỏa thuận trên, đưa ra hồi tháng 10/2009, đề nghị Iran chuyển 1.200kg urani đã làm giàu cấp độ thấp (LEU) sang Nga và Pháp để chuyển đổi thành nhiên liệu dùng cho một lò phản ứng hạt nhân phục vụ công tác nghiên cứu ở Tehran. Tuy nhiên, sau đó, Iran yêu cầu việc trao đổi phải diễn ra trên lãnh thổ nước này, điều kiện mà các bên khác tham gia thỏa thuận không chấp nhận.

Cùng ngày, năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ, đã ra tuyên bố chung về vũ khí hạt nhân, trong đó kêu gọi Iran "đáp lại những quan ngại của cộng đồng quốc tế" và hối thúc Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên "thực hiện những cam kết trong các vòng đàm phán sáu bên."

Tuyên bố nêu rõ các nước quan ngại sâu sắc về những hiểm họa phổ biến hạt nhân từ chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của việc Iran tuân thủ đầy đủ và ngay lập tức các nghĩa vụ quốc tế của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục