Iran sẽ không bàn cãi về quyền lợi hạt nhân của mình

Iran tuyên bố sẵn sàng đàm phán "mang tính xây dựng" với các cường quốc và sẽ không bàn cãi về những quyền lợi hạt nhân của mình.
Ngày 28/10, Iran tuyên bố sẵn sàng đàm phán "mang tính xây dựng" với các cường quốc trên thế giới, đồng thời một lần nữa khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ không bàn cãi về những quyền lợi hạt nhân của mình.

Hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA dẫn một tuyên bố của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran cho biết Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, ông Saeed Jalili, đã phát biểu như trên trong cuộc điện đàm với Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Javier Solana.

Ông Jalili nhấn mạnh Iran "sẽ chỉ đàm phán trong khuôn khổ gói đề xuất do Tehran đưa ra, trong đó cân nhắc những ưu tiên chung".

Trong gói đề xuất mà Iran đưa ra cho nhóm P5+1 - gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức - hồi tháng 9 vừa qua, Tehran đề nghị đàm phán chung về giải trừ hạt nhân toàn cầu và nhiều vấn đề khác, nhưng không đề cập chương trình hạt nhân của nước này.

Theo IRNA, trong cuộc điện đàm với ông Jalili, ông Solana nhận xét gói đề xuất của Tehran là "toàn diện" và nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục các cuộc đàm phán.

Trong các cuộc gặp với các quan chức nhóm P5+1 ở Geneva ngày 1/10 vừa qua, Iran đã đồng ý cho các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến kiểm tra cơ sở làm giàu urani thứ hai của nước này, đồng thời nhất trí chuyển urani làm giàu ở cấp độ thấp của Iran ra nước ngoài xử lý làm giàu ở cấp độ cao hơn.

Theo nguồn tin từ Vienna (Áo), các thanh sát viên IAEA đã hoàn tất công tác thanh tra cơ sở làm giàu urani thứ hai của Iran. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào trung tuần tháng 11 tới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 28/10 hoan nghênh cuộc thanh sát và đánh giá đây là "một bước tiến tích cực".

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng khuyến khích Iran chấp thuận kế hoạch dự thảo do IAEA đề xuất về việc chuyển urani của Iran ra nước ngoài làm giàu, cho rằng đó là "một giải pháp xây dựng lòng tin quan trọng".

Báo chí Iran đưa tin Tehran sẽ chấp thuận khuôn khổ kế hoạch dự thảo trên, nhưng yêu cầu phải có những thay đổi quan trọng trong kế hoạch. Dự kiến hôm nay 29/10 Iran sẽ đưa ra câu trả lời đối với kế hoạch này.

Trong khi đó, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 28/10 đã biểu quyết thông qua một dự luật nhằm siết chặt trừng phạt kinh tế đối với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Theo đó, các nhà cung cấp xăng dầu chính cho Iran, trong đó có các công ty của Anh, Pháp, Thụy Sỹ và Ấn Độ, có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Washington.

Mặc dù có nguồn dầu mỏ dồi dào, nhưng do khả năng lọc dầu hạn chế nên Iran vẫn phải nhập khẩu xăng dầu để đáp ứng khoảng 40% nhu cầu trong nước. Những hãng cung cấp xăng dầu chính cho Tehran bao gồm Vitol của Thụy Sỹ; liên doanh Trafigura của Thụy Sỹ và Hà Lan; Total của Pháp; Glencore của Thụy Sỹ, Petroleum của Anh và Reliance của Ấn Độ.

Theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Howard Berman, dự luật trên nhằm "tối đa hóa nỗ lực ngăn chặn Iran hội đủ khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân".

Dự luật trên còn phải được toàn thể Hạ viện và Thượng viện thông qua trước khi được ban hành thành luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục