Iran từ chối lời kêu gọi của Pháp mở rộng đàm phán hạt nhân

Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố sẽ không tổ chức bất cứ cuộc thảo luận nào vượt ra khỏi khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ bỏ năm ngoái.
Iran từ chối lời kêu gọi của Pháp mở rộng đàm phán hạt nhân ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: The Express Tribune)

Ngày 7/6, Iran đã từ chối lời kêu gọi của Pháp mở rộng cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân và quân sự của Tehran, nhấn mạnh nước này sẽ chỉ thảo luận về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Iran đạt được với các cường quốc trên thế giới.

Động thái trên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay Paris và Washington đều muốn ngăn Tehran có được các vũ khí hạt nhân và các cuộc đàm phán mới nên tập trung vào việc kiềm chế chương trình tên lửa đạn đạo và các vấn đề khác.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố sẽ không tổ chức bất cứ cuộc thảo luận nào vượt ra khỏi khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ bỏ năm ngoái.

[Mỹ sẵn sàng đối thoại với Iran về vấn đề hạt nhân]

Người phát ngôn bộ này Abbas Mousavi nhấn mạnh: "Trong bối cảnh này, việc bàn về các vấn đề bên ngoài thỏa thuận (JCPOA) sẽ dẫn đến sự hoài nghi gia tăng giữa các bên tham gia ký kết thỏa thuận này."

Quan chức này còn nói rằng cho đến nay, các nước Liên minh châu Âu vẫn không thực thi đầy đủ những cam kết của họ theo JCPOA, cũng như bảo vệ các lợi ích của Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

Trước đó, Tổng thống Trump cho rằng thỏa thuận hạt nhân, do người tiền nhiệm Barack Obama k‎ý, là không hiệu quả vì không bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo của Iran cũng như vai trò của Iran trong các cuộc xung đột ở Trung Đông.

Do đó, ông kêu gọi Iran ngồi lại vào bàn đàm phán để đạt được một thỏa thuận mới với cam kết là Washington sẽ “không tìm kiếm sự thay đổi chế độ” ở Iran.

Thủ lĩnh tin thần tối cao Iran Ali Khamenei sau đó tuyên bố Tehran sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình và sẽ không để bị “mắc mưu” trước lời đề nghị đàm phán của nhà lãnh đạo Mỹ.

Căng thẳng giữa Tehran và Washington càng gia tăng sau khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với nước này, đặc biệt thời gian gần đây Washington gia tăng sức ép tối đa với Tehran bằng cách chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran.

Căng thẳng đẩy hai quốc gia này vào nguy cơ đối đầu quân sự khi Mỹ đã điều động thêm quân cùng các máy bay ném bom và tàu sân bay tới Trung Đông, tuyên bố động thái trên nhằm đối phó với "các mối đe dọa" từ Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục