Iran tuyên bố hợp tác trong vấn đề hạt nhân

Iran tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế giải quyết tranh cãi về chương trình hạt nhân của nước này.
Tại cuộc họp báo ở Teheran ngày 24/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hassan Ghashghavi tuyên bố Teheran sẽ tiếp tục hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) giải quyết cuộc tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân của nước này.

Tuyên bố này được cho là xác nhận tin Teheran đã cho phép các thanh sát viên IAEA tiếp cận lò phản ứng hạt nhân nước nặng đang xây dựng ở Arak sau khi cấm hoạt động thanh sát ở đây trong một năm qua.

Trả lời câu hỏi của báo giới về việc các thanh sát viên IAEA được phép đến địa điểm xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở Arak và có sự thay đổi nào trong quan hệ của Iran với IAEA hay không, ông Ghashghavi khẳng định mọi hoạt động hạt nhân của Iran  không vượt ra ngoài khuôn khổ của IAEA và Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NTP); nhấn mạnh rằng xu hướng này sẽ được duy trì.

Trước đó, các nhà ngoại giao cũng cho biết Iran đã cho phép IAEA gia tăng các hoạt động giám sát nhà máy làm giàu urani ở Natanz.

Phản ứng trước những động thái trên của Iran, phương Tây tỏ ra hoài nghi. Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21/8 cho rằng các động thái gần đây của Iran với IAEA chưa đáng kể.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hạn cho Iran đến tháng 9 tới phải trả lời đề nghị của nhóm P5+1 gồm năm thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức về việc Teheran ngừng hoạt động làm giàu urani để đổi lấy các lợi ích thương mại, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn.

Mỹ, Anh, Pháp và Đức dự định trong cuộc hội đàm ngày 2/9 tới của nhóm này sẽ thúc giục Nga và Trung Quốc cân nhắc một gói trừng phạt thứ tư của Liên hợp quốc đối với Iran.

Cuộc thảo luận này sẽ dựa trên cơ sở một báo cáo của IAEA về chương trình hạt nhân của Iran dự kiến đưa ra trong tuần này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ghashghavi trong cuộc họp báo nói trên đã yêu cầu phương Tây nên "cộng tác" với Iran để giải quyết vấn đề hạt nhân, hơn là áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.

Ông Ghashghavi nhấn mạnh: "Những kinh nghiệm trước đây cho thấy trừng phạt là vô ích. Các biện pháp trừng phạt sẽ không ngăn cản chúng tôi theo đuổi các quyền hợp pháp của mình"./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục