Iran vẫn để ngỏ khả năng đàm phán về hạt nhân

Iran bày tỏ tin tưởng thỏa thuận trao đổi hạt nhân với phương Tây vẫn khả thi chỉ một ngày sau khi bắt đầu làm giàu urani mức 20%.
Iran ngày 10/2 bày tỏ tin tưởng một thỏa thuận trao đổi hạt nhân với phương Tây vẫn có tính khả thi chỉ một ngày sau khi nước này bắt đầu làm giàu urani ở mức 20%, khiến Mỹ lập tức cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Kênh truyền hình nhà nước "Press TV" của Iran ngày 10/2 trích lời Giám đốc Tổ chức năng lượng hạt nhân Iran (IAEO), ông Ali Akbar Salehi, nói rằng Tehran quan tâm đến việc các quốc gia phương Tây cung cấp cho nước này nhiên liệu hạt nhân và "thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân vẫn còn trên bàn". Tuy nhiên, ông Salehi cũng nhắc lại yêu cầu của Iran muốn hoán đổi nhiên liệu hạt nhân cùng lúc và trên lãnh thổ nước này.

Đồng thời, Iran đã bác bỏ đề xuất của Mỹ, theo đó cung cấp cho Tehran các đồng vị phóng xạ y tế để đổi lấy việc nước này ngừng chương trình làm giàu urani. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Ramin Mehmanparast cho rằng đề xuất của Mỹ "không hợp lý" và việc đóng cửa lò phản ứng hay ngừng sản xuất đồng vị y tế "không phải là giải pháp".

Trong một diễn biến khác, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 10/2 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với một số chi nhánh của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, nhằm vào Tướng Rostam Qasemi và 4 công ty của ông này do nghi ngờ dính líu đến hoạt động sản xuất và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ đã tuyên bố phong tỏa toàn bộ số tài sản trên. Lâu nay, tình báo phương Tây vẫn cho rằng Lực lượng Vệ binh Cách mạng là đối tượng đi đầu trong việc phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran.

Cùng ngày 10/2, Thủ tướng Canada Stephen Harper tuyên bố nước này ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, đồng thời cam kết sẽ sử dụng vai trò chủ tịch G-8 năm 2010 để chấm dứt tham vọng hạt nhân của Tehran. Thủ tướng Harper tuyên bố rằng đã đến lúc Iran cần chấm dứt sự đối đầu với cộng đồng quốc tế, ngừng ngay lập tức hoạt động làm giàu urani và thực hiện các bước đi tiến tới sự minh bạch và tuân thủ đúng yêu cầu của cộng đồng quốc tế. Iran phải ngừng xây dựng các cơ sở mới làm giàu urani và hợp tác đầy đủ với các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Liên quan vấn đề trừng phạt, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 10/2 cho rằng bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào với Iran cũng phải nhắm tới mục tiêu củng cố cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông cho rằng các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran đã trở nên "hiện thực hơn" sau khi Tehran quyết định làm giàu urani ở cấp độ cao hơn. Tuy nhiên, ông nhắc lại quan điểm của Mátxcơva rằng "trừng phạt không phải là biện pháp để giải quyết vấn đề."

Theo hãng tin AP (Mỹ), một tài liệu mật của IAEA ngày 10/2 cho biết Iran sắp có mẻ urani làm giàu ở cấp độ cao đầu tiên nhưng khẳng định quy mô sản xuất vẫn còn "khiêm tốn". Cụ thể, Tehran hiện chỉ sử dụng một phần năng lực của nước này và một lượng nhỏ nguyên liệu cho hoạt động trên.

Theo tài liệu trên, Iran hiện chỉ sử dụng 164 máy ly tâm để làm giàu urani và chỉ đưa vào khoảng 10kg urani làm giàu ở cấp độ thấp (LEU) để tinh chế urani 20%. Iran có hơn 8.000 máy ly tâm, song không phải tất cả đều hoạt động.

Hiện nhà nước Hồi giáo này đã có khoảng 1,8 tấn LEU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục