Iran vẫn quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân

Iran tuyên bố vẫn kiên trì theo đuổi chương trình năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, dù phải chịu nhiều "sức ép phi lý".
Hãng tin chính thức IRNA của Iran dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast ngày 15/6 tuyên bố, dù đang chịu nhiều "sức ép phi lý" của phương Tây cũng như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, song Iran vẫn kiên trì theo đuổi chương trình năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình theo quy ước quốc tế, bao gồm cả những quy định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Ông Mehmanparast nêu rõ Iran triển khai rất nhiều dự án sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, và sẽ đáp ứng nhu cầu hạt nhân này bằng mọi cách. Các biện pháp trừng phạt chỉ làm cho Iran thêm quyết tâm trở thành nước "tự cung tự cấp."

Trong khi đó, truyền hình Iran ngày 15/6 đưa tin Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad khẳng định thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân do Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vẫn có giá trị và sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thương lượng tương lai.

Cùng ngày, Tehran tuyên bố không nao núng trước việc Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch siết chặt biện pháp trừng phạt Tehran liên quan tới các hoạt động hạt nhân của nước này, đồng thời dọa sẽ "trừng trị" những quốc gia ủng hộ giải pháp trừng phạt bằng cách ngừng xuất khẩu khoáng sản.

Những tuyên bố trên của Iran được đưa ra sau khi các nước thành viên EU nhất trí thúc đẩy kế hoạch áp đặt một số biện pháp trừng phạt, ngoài nghị quyết trừng phạt thứ tư của Hội đồng Bảo an đối với Iran.

Các Ngoại trưởng EU ngày 15/6 đã ký một văn kiện về những biện pháp trừng phạt bổ sung, trong đó có việc đình chỉ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Iran, cấm chuyển giao công nghệ và trợ giúp kỹ thuật, thiết bị... trong lĩnh vực lọc dầu.

Phương Tây còn tìm cách cô lập Tehran bằng việc thuyết phục một số công ty hạn chế đầu tư ở Iran.

Cùng ngày 15/6, Ngoại trưởng Australia Stephen Smith cho biết nước này sẽ áp dụng thêm những biện pháp cấm vận của Australia đối với Iran nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tehran.

Theo ông, Australia sẽ thực thi biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Mellat - thể chế tài chính mà Liên hợp quốc cho rằng đã tạo điều kiện thuận lợi cho những giao dịch liên quan đến những thực thể hạt nhân và tên lửa của Iran, và đối với Công ty Vận tải biển Iran - đơn vị đã vận chuyển hàng hóa cho các chương trình tên lửa của Iran...

Mặc dù tỏ ra quan ngại đối với tham vọng hạt nhân của Iran, Canberra cho rằng vẫn còn cơ hội để đối thoại về vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục