Iran xét lại quan hệ với nước bỏ phiếu ủng hộ IAEA

Chủ tịch Quốc hội Iran cho biết nước này sẽ xem xét lại quan hệ với những nước đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của  IAEA chống Iran.
Ngày 3/12, Chủ tịch Quốc hội Iran, ông Ali Larijani cho biết cơ quan lập pháp nước này sẽ xem lại quan hệ với những nước đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chống Iran.

Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran dẫn lời ông Larijani cho biết Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran đang nghiên cứu kỹ nghị quyết chống Iran của IAEA và xem xét lại quan hệ giữa Iran với cơ quan này cũng như cách thức đối phó với nghị quyết trên. Ông nhấn mạnh: "Nghị quyết của IAEA không logic".

Trước đó, Ban Giám đốc IAEA ngày 27/11 đã thông qua một nghị quyết đề nghị Iran ngừng xây dựng nhà máy làm giàu urani thứ hai tại Qom và hợp tác đầy đủ nhằm làm sáng tỏ mọi vấn đề còn tồn tại liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Đây là lần thứ hai IAEA thông qua nghị quyết chống lại Iran sau một nghị quyết tương tự hồi tháng 2/2006.

Phản ứng nghị quyết trên, Tehran đã công bố kế hoạch xây dựng 10 nhà máy làm giàu urani ở thành phố miền Trung Natanz và dọa rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NTP).

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cho rằng nghị quyết này là "phi lý và bất công", đồng thời tuyên bố chấm dứt đàm phán với phương Tây.

Ông khẳng định Iran sẽ tự làm giàu urani ở cấp độ 20% để làm nhiên liệu hạt nhân, đồng thời phản đối đề xuất của nhóm P5+1 về việc đưa phần lớn lượng urani làm giàu ở cấp độ thấp của Iran ra nước ngoài xử lý thêm. Trước thực tế này, Nga đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ tranh cãi leo thang.

Cùng ngày, Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi Iran hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói: "Trung Quốc hy vọng Iran sẽ hợp tác với IAEA và sớm giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran thông qua đối thoại và đàm phán"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục