Iraq cần sự hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình

Các nước Hồi giáo cần gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Iraq để ổn định lại tình hình sau khi Mỹ rút quân ra khỏi nước này.
Phát biểu tại Damascus (Syria) ngày 29/8, quan chức phụ trách truyền thông của Liên minh người Iraq (IL) Ahmad al-Dileimi cho rằng các nước Arập và các nước Hồi giáo, đặc biệt là Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, nên gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Iraq.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, ông Ahmad al-Dileimi nói: "Mỹ đã sắp đặt tiến tình chính trị tại Iraq dựa trên các đại diện đảng phái. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bắt đầu đi theo cách thức của người tiền nhiệm trong vấn đề Iraq".

Ông Ahmad al-Dileimi cũng nhấn mạnh việc Mỹ rút quân khỏi Iraq là ảo tưởng khi nước này vẫn duy trì 50.000 quân và 7 căn cứ quân sự tại đây.

Hiện nay, IL của cựu Thủ tướng Iyad Allawi chiếm 91 ghế nghị sỹ trong cuộc tổng tuyền cử hồi tháng Ba, là đảng chính trị giành được nhiều ghế nhất tại Quốc hội nhưng không đủ tạo lập liên minh có đa số tuyệt đối để giành quyền thành lập chính phủ.

Trong khi đó, hai khối lớn nhất của người Siai - là Liên minh Nhà nước pháp quyền (SOL) của đương kim Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki và Liên minh Dân tộc Iraq (INA) của cựu Thủ tướng Ibrahim Jaafari vào tháng Sáu đã thành lập "đại liên minh" với tên mới là Liên minh Quốc gia (NA), tạo thành khối nghị sĩ lớn nhất tại quốc hội nhưng vẫn không đủ đa số tuyệt đối và buộc phải đàm phán với IL.

Tuy nhiên, IL và SOL đã chấm dứt các cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền vào ngày 16/8 sau khi Thủ tướng Maliki mô tả IL là khối của người Sunni, không phải là một "dự án quốc gia phi bè phái" như tuyên bố của liên minh này. Mặc dù vậy, IL vẫn để ngỏ khả năng nối lại đàm phán nếu Thủ tướng có lời xin lỗi.

Trong một diễn biến khác, Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Iraq ngày 29/8 đã kí một hiệp định trị giá 2,5 triệu euro, theo đó EU sẽ hỗ trợ Baghdad trong việc ngừng hoạt động, tháo dỡ và làm sạch các cơ sở hạt nhân cũ được xây dựng dưới thời Saddam Hussein.

Theo hiệp định, EU sẽ giúp đào tạo các nhà khoa học Iraq, hỗ trợ thiết bị cần thiết để làm sạch các cơ sở hạt nhân như máy dò phóng xạ và quần áo chống phóng xạ. Dự kiến, Iraq sẽ phải mất 10 năm mới có thể hoàn thành kế hoạch này.

Chính quyền Baghdad đã đề ra mục tiêu làm sạch 10 cơ sở hạt nhân sau khi quân đội Mỹ chấm dứt các chiến dịch, tuy nhiên sau hai năm thực hiện, kế hoạch này tiến triển rất chậm chạp./.

(TTXVN/Vienam+)

Tin cùng chuyên mục